Nỗi niềm “nghề” bắt muỗi

(ANTĐ) - Giống ký sinh trùng gây ra các bệnh như  sốt rét, sốt xuất huyết... thì ai cũng biết, nhưng ít ai hiểu được công việc của những người sẵn sàng lấy mình ra làm “vật thí nghiệm” để nghiên cứu về loài muỗi, dtìm ra cách chữa bệnh cứu người.

Nỗi niềm “nghề” bắt muỗi

(ANTĐ) - Giống ký sinh trùng gây ra các bệnh như  sốt rét, sốt xuất huyết... thì ai cũng biết, nhưng ít ai hiểu được công việc của những người sẵn sàng lấy mình ra làm “vật thí nghiệm” để nghiên cứu về loài muỗi, dtìm ra cách chữa bệnh cứu người.

Cải tạo vệ sinh kênh, mương làm giảm điều kiện sinh sôi của muỗi
Cải tạo vệ sinh kênh, mương làm giảm điều kiện sinh sôi của muỗi

Biết bộ môn ký sinh trùng (KST) của Trường TC Đặng Văn Ngữ - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Viện SRKSTCT TW) đang có tiết thực hành bắt muỗi để thí nghiệm, tôi tìm đến địa chỉ số 245 đường Lương Thế Vinh, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nơi trường tọa lạc để cùng các sinh viên tiếp tục hành trình bắt muỗi.

Nào đèn pin, nào ống tuýp (ống nghiệm thủng ai đầu) được trang bị đầy đủ cho mỗi sinh viên lớp K38 - khoa KST. Đợi đến nửa đêm, khi trời bớt gió, các thành viên trong lớp í ới phân công chỗ ngồi, người thì ở góc phòng, người thì cạnh bể nước, người thì bất động cạnh lùm cây dại mọc trong sân ký túc xá - những nơi được cho là "thiên đường" của muỗi. Và đặc biệt phải ngồi ngược chiều gió vì khi đói muỗi bay ngược chiều gió để tìm vật chủ, "ăn no” sẽ bay theo chiều gió để tiêu hóa thức ăn. Nam nữ đều mặc quần cộc, nếu không cũng xắn quần tới lưng đùi, giơ hai chân ra sẵn sàng "bày cỗ" mời muỗi đến.

Lát sau tất cả đều im phắc, bất động. Được khoảng 15 phút, có chiếc đèn pin ở góc sân được bật sáng và một chú muỗi bụng hãy còn lép kẹp đã nằm ngoan ngoãn trong ống tuýp. Những sinh viên này không còn quen với phản xạ giơ tay đập khi muỗi đốt mà thay vào đó là sự chờ đợi và thầm hoan hỷ khi cái vòi của muỗi cắm sâu vào da thịt gây cảm giác ngứa rồi lấy ống tuýp "chụp" lấy con muỗi đang cong đuôi hút máu để có thể bắt sống được loài ký sinh trùng này. “Bọn em thức suốt đêm để săn muỗi, mỗi buổi thực hành trung bình mỗi bạn bắt được chục “thím” muỗi. Sáng hôm sau phải mổ muỗi để làm thí nghiệm ngay, nếu để lâu muỗi sẽ ngất thì không thí nghiệm được nữa”, Trung (lớp K38 - khoa KST) chia sẻ.

Nghiên cứu muỗi sau khi đã mổ xong
Nghiên cứu muỗi sau khi đã mổ xong

Công đoạn mổ muỗi chỉ được tiến hành đối với muỗi cái vì muỗi cái là nguồn gốc gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết ở người. Sau khi muỗi được gây mê bằng ete, dùng kính lúp để định loại muỗi, thầy Hiền, giảng viên Bộ môn KST tiến hành vặt hết phần cánh, chân, đùi, râu... muỗi bằng chiếc nhíp chuyên dụng, sau đó đặt muỗi lên "bàn mổ" là một chiếc lam kính và nhỏ một giọt nước muối sinh lý 9/1000 lên con muỗi để giữ cho các bộ phận của muỗi không bị co, khô trong quá trình mổ.

Thầy Hiền khéo léo dùng hai chiếc kim côn trùng mảnh như sợi tóc được đính vào chiếc cán bằng que tre, tay trái thầy Hiền cố định chiếc kim trên phần ngực muỗi còn tay phải gẩy nhẹ nhàng từng mũi kim vào phần bụng muỗi. Sau khi đã kéo một đường kim, những bộ phận trong bụng con muỗi cái được "phơi bày" trước ống kính hiển vi phóng đại 20 lần. Buồng trứng của muỗi màu vàng nhạt, rồi đến những chiếc ống nhỏ, được thầy Hiền giải thích đó là ống malpighi, làm nhiệm vụ dẫn chất thải đổ ra ngoài hậu môn của muỗi. Ngoài ra, cũng có thể nhìn thấy cả phần thực quản, dạ dày, ruột, trực tràng, nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ quan sinh sản của muỗi, để nghiên cứu về sự sinh sản của loài KST này. Phần đầu muỗi được xem là rất quan trọng vì nó chứa các thoa trùng gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết ở người.

Mặc dù đã có bao năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng các cán bộ trong ngành nghiên cứu KSTCT vẫn không tránh khỏi việc bị nhiễm các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết từ muỗi. Đã có nhiều năm kinh nghiệm, thầy Hiền chia sẻ: "Khi đi thực tế bắt muỗi ở các tỉnh xa phục vụ công tác nghiên cứu, đều phải mang mình ra làm mồi. Không tránh khỏi bị muỗi độc đốt rồi gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Như trường hợp của một tiến sỹ ở Viện Sốt rét KSTCTTW đã bị những cơn sốt rét quật ngã khi "đưa" muỗi từ Nam ra Bắc để làm thí nghiệm. Vì trên đường đi, phải lấy mình làm mồi để muỗi duy trì sự sống, biết rằng đó là loài muỗi đang có KST sốt rét nhưng phải nuôi bằng được vì không dễ gì bắt được con muỗi "quý" như thế phục vụ công tác nghiên cứu của ngành".

Mùa hè đang đến - môi trường để các loài muỗi mang thoa trùng gây bệnh phát triển. Chính vì vậy, việc ngừa muỗi để phòng chống các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết là rất cần thiết với con người, nhất là ở trẻ nhỏ. "Đi ngủ phải mắc màn, thường xuyên vệ sinh môi trường (dùng hóa chất icon, pedonan, permihtrin để phun, tẩm màn), nếu nuôi cá cảnh phải thau nước thường xuyên không biến thành nơi sinh sản bọ gậy, dọn sạch các ổ đẻ nhân tạo của muỗi như: vứt bỏ gáo dừa, hũ, bát, chai lọ vỡ ở quanh nhà, quanh vườn", thầy Trương Thanh Bả, nguyên giáo viên khoa KST chia sẻ.

Mộc Lan