Cố gắng nén đau, ông ta nhấc cây nến lên soi, cố tìm bắt bằng được con bọ cạp. Ất thấy vậy liên mồm niệm Phật, sau đó nói với hàng xóm bằng giọng trách móc: “Người đã ăn chay niệm Phật phải có lòng từ bi, hãy tha cho nó một con đường sống đi. Với lại nó cũng chỉ hiểu lầm thôi, tưởng bị anh tấn công nên mới chống trả để tự vệ đấy chứ”. Thấy lời khuyên chí phải, nên Giáp bỏ ý định trừng trị con bọ cạp, thả cho nó đi.
Một buổi tối 3 ngày sau đó, hai người lại hẹn đàm đạo cùng nhau. Vừa ngồi xuống, chợt thấy Ất kêu oái lên một tiếng, hóa ra ông ta ngồi vào con bọ cạp nên bị đốt vào mông. Chưa đợi Giáp cầm nến đến soi, ông ta đã giận dữ ra sức giẫm chân xuống đất. Tới khi soi nến, mới phát hiện ra con bọ cạp đã bị chết bẹp dí. Thấy Giáp niệm Phật, Ất bèn đổi giọng, ra chiều chưa nguôi cơn giận: “Hôm đó nó đốt anh, ta đã mở lòng xin hộ, cứu mạng nó, nhưng nó vẫn lấy oán báo ân, thật là vô lương tâm, chết là đáng lắm…”. Sau này, ai biết chuyện cũng chê cười Ất.
Trong cuộc sống nhiều người vốn ích kỷ, khi chuyện tồi tệ chưa xảy ra với bản thân thì không cảm nhận được nỗi khổ, nên bàng quan, thậm chí còn lên mặt dạy đời. Phải nhớ, chuyện xảy ra với người khác thì cũng có thể đến với mình.