Nỗi lo tăng lương

ANTĐ - Đi làm đến tối mịt mới về nhà trọ trên phố Đê La Thành, anh Bùi Văn Giáp (24 tuổi) mệt mỏi cất đồ đi ăn cơm bình dân.

- Hôm nay “cải thiện” à?

- Mệt quá, sức đâu mà đi chợ nấu cơm, xung quanh đây nhiều dân lao động, cơm bình dân giá cũng vừa phải, vẫn chịu được.

- Từ tháng này em được hưởng mức lương mới, chắc cũng giảm khó khăn nhiều!

- Cũng chưa biết được, lương tăng thì tốt rồi, nhưng vẫn lo lắm. Giá cả cũng đang đợi tăng theo đây. Cuối tháng vừa rồi, chủ nhà trọ đã bóng gió chuyện tăng giá phòng. Không khéo lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn: lương và giá cùng tăng, cuộc sống chả cải thiện được mấy.

- Vẫn còn ít các chương trình hỗ trợ  như “Nhà trọ không tăng giá”, người lao động được ưu tiên mua hàng bình ổn giá…

- Mức lương tổi thiểu là như thế, những người qua đào tạo nghề rồi còn được trả cao hơn 7% như nhà nước quy định, nhưng khó mà đòi hỏi được hơn vì thường là tiếng nói người lao động chưa có sức nặng.

- Công đoàn phải tham gia thỏa thuận, giám sát tiền lương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động chứ?

- Có phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có công đoàn đâu. Mà công đoàn cũng là người làm công, ăn lương, khó mà đứng ra bảo vệ ai được khi họ còn phải lo cho chính mình.

- Thiếu cơ chế giám sát việc trả lương, người lao động lại chịu thiệt thòi, lương chưa chắc đủ nuôi sống bản thân chứ nói gì đến tái tạo sức lao động.

- Thế nên cũng mong Nhà nước có những biện pháp cụ thể để đảm bảo tăng lương thật sự cải thiện được đời sống cho người lao động.  Tăng lương phải là niềm vui không phải gắn với lo lắng nữa.