Nỗi lo mất thương hiệu Việt

ANTĐ - Từ năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, cùng với đó là việc cắt giảm hàng loạt dòng thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ năm nay theo cam kết WTO. Đây là cơ hội cho hàng hóa từ các nước ASEAN và một số nước vào thị trường Việt Nam một cách thuận lợi. Trong đó các doanh nhân Thái Lan đã khá nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này với cách đi riêng của mình. Thay vì dùng tài chính, các doanh nghiệp Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam bằng kênh phân phối thông qua góp vốn, mua bán, sáp nhập. 

Một cách lặng lẽ nhưng chắc chắn, hàng tiêu dùng Thái Lan, đặc biệt là đồ gia dụng, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm… đã có mặt tại Việt Nam. Từ chỗ lác đác vài điểm ở trung tâm Hà Nội và nhiều thành phố khác, nay những cửa hàng, siêu thị mini hàng Thái có mặt ở rất nhiều khu dân cư. Với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng đáp ứng yêu cầu là ưu thế cạnh tranh của các sản phẩm “Made in Thailand” so với hàng Việt cùng chủng loại, phân khúc là rất lớn. 

Và đến thời điểm gần đây, dù có thông tin về việc một doanh nhân Thái Lan không thành công trong việc mua lại hệ thống Siêu thị Metro tại Việt Nam thì cũng đã có các thương vụ khác bán cho Power Buy (công ty con, chuyên về bán lẻ của Tập đoàn Central Group - Thái Lan). Cứ đà này hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường trong nước theo chân của các nhà đầu tư Thái Lan. Chưa kể đến việc một loạt các doanh nghiệp nước ngoài khác như Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản)… đã và đang đầu tư hệ thống bán lẻ tại Việt Nam cũng dành những ưu ái tiêu thụ hàng của nước mình. Các thương vụ diễn ra đã nối dài danh sách mua bán, sáp nhập trong vài năm gần đây. Những thương hiệu Việt khác như Tribeco (nước uống), Bibica (bánh kẹo), Phở 24 và Highlands Coffee... cũng đã lần lượt bị thâu tóm bởi Uni-President (Đài Loan, Trung Quốc), Lotte (Hàn Quốc) và Jollibee (Philippines). 

Nhìn lại các vụ mua bán thương hiệu trên, kể cả vụ Kinh Đô đồng ý bán 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelèz International (Mỹ) trị giá gần 8.000 tỷ đồng mới thấy giật mình. Những tưởng những tên tuổi nhỏ con mới phải  bán chứ còn đang là “ ông lớn” kiêu hãnh là thương hiệu lớn, cũng đã vội nhập vào những tên tuổi quốc tế khác. Chợt lo, dăm năm nữa khi những thương hiệu Việt uy tín mất dần thì còn đâu sản phẩm để kêu gọi, vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”?!