Nỗi đau chất chồng, tiếng khóc có thấu tới trời xanh?

ANTĐ -Tiếng khóc của tôi có thấu tận trời xanh? Không biết kiếp trước, tôi làm gì nên tội, mà kiếp này, bao nhiêu nỗi đau đổ hết lên những đứa con tôi dứt ruột đẻ ra. Còn vết thương nào đau hơn nữa không?

“Giờ mẹ có than trách ông trời cũng không thể đưa con trở về với gia đình. Mẹ đã đi khắp nơi tìm kiếm, lạy lục những ông thầy bói để xem con ở đâu, khấn vái Phật độ trì cho con được bình an trở về, nhưng bóng dáng con vẫn mất hút. Mẹ cố gắng ăn, ngủ, cố gắng vực dậy nhưng thân xác mẹ cứ hao mòn dần. Giá như mẹ có thể gánh hết vận hạn, nỗi đau và những khó khăn mà con đang phải trải qua để con trai, con gái của mẹ được sống bình yên, hạnh phúc thì trăm vạn lần nỗi đau ấy, mẹ đều gật đầu chấp thuận...”

Tiếng khóc của tôi có thấu tận trời xanh? Không biết kiếp trước, tôi làm gì nên tội, mà kiếp này, bao nhiêu nỗi đau đổ hết lên những đứa con tôi dứt ruột đẻ ra. Còn vết thương nào đau hơn nữa không?

Bi kịch thứ nhất

Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông chất phác. Cũng như bao nhiêu người con gái khác, tôi lấy chồng rồi sinh ra những đứa con đáng yêu. Bên cạnh làm ruộng, tôi đi buôn rau kiếm tiền nuôi còn. Cứ 2 giờ sáng, tôi đã lọ mọ dậy, đạp xe gần chục cây số đến vùng sản xuất rau mang ra chợ phiên bán lại. Có chút vốn, chồng tôi mở một tiệm bán nông cụ tại nhà, nhu cầu mua khá đông nền kinh tế gia đình cũng khấm khá lên. Tôi sinh được bốn đứa con, 3 con gái và một cậu con trai út. Hai vợ chồng luôn tâm niệm, dù cha mẹ có vất vả, bữa đói bữa no nhưng không bao giờ để con đói chữ. Hiểu tấm lòng cha mẹ, đứa nào cũng cố gắng phấn đấu, chăm chỉ học hành nên luôn là những học sinh ngoan, học giỏi của trường. Ai cũng khen gia đình tôi dù nghèo nhưng hạnh phúc.

Tôi tưởng hạnh phúc, tiếng cười, niềm vui luôn thường trực trong căn nhà nhỏ bé của mình. Nhưng cuộc đời không bao giờ như con người mong đợi, đôi khi, chỉ cần một chút thay đổi đã làm tan nát cả một mái ấm gia đình. Chuỗi bi kịch của tôi bắt nguồn từ khi con gái thứ hai của tôi vào đại học và mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt.

P. - tên của đứa con gái thứ hai của tôi - là đứa nhanh nhẹn, tháo vát và rất ngoan ngoãn. Tốt nghiệp phổ thông, P. thi vào trường Đại học Lao động Xã hội. Nhập học một thời gian, thấy ngành học không phù hợp, P. tâm sự với tôi về dự định thi lại vào trường Đại học Sư phạm, mang theo hoài bão đứng trên bục giảng để truyền kiến thức và lòng yêu văn học đến các em học sinh. Tôi không phản đối, cũng chẳng cấm cản, chỉ khuyên con bé cứ học trường này, rồi ôn thi lại, nếu thi đỗ, tôi sẽ đồng ý cho con bé chuyển ngành. Một năm miệt mài ôn thi, điểm thi của con bé chỉ đủ để xét nguyện vọng vào một trường Cao đẳng sư phạm. Nó chuyển sang trường mới học, tôi tin nó sẽ học giỏi và với bản tính khôn khéo, nhanh nhẹn, nó sẽ dễ dàng xin việc mà không cần đến “ô dù”.

Lúc con bé P. chuyển sang trường mới, cũng là giai đoạn nó bắt đầu biết yêu. Ban đầu, tôi phản đối kịch liệt. Một đứa con gái xinh xắn đáng yêu như con bé, thừa sức kiếm được những người hơn cậu con trai kia nhiều mặt. Huống hồ, nó hơn con gái tôi đến một giáp, lại thấp bé, nhỏ con. Tôi cũng không muốn con gái tôi vừa đi học vừa yêu đương. Nói nặng, nói nhẹ không xuôi, tôi “mặc kệ” nó. Thỉnh thoảng, con bé dẫn người yêu về nhà chơi mấy hôm cuối tuần rồi lại xuống Hà Nội học.

Hôm đó, đang là mùa ôn thi của P. tôi bị đánh thức bởi cuộc điện thoại từ phòng ký túc xá của con gái tôi: P. đang la hét ầm ĩ, đập phá đồ đạc, nói năng luyên thuyên và có những biểu hiện thất thường. Nửa đêm, vợ chồng tôi hốt hoảng xuống trường, nơi con gái tôi đang học. Tôi khóc ngất nhìn con điên loạn mà không biết làm gì giúp con. P. nhanh chóng được đưa đến bệnh viện tâm thần trung ương để chẩn đoán và điều trị.

Bác sỹ bảo con gái tôi bị bệnh tâm thần phân liệt do áp lực học tập và có một vài cú sốc tâm lý, phải điều trị tại bệnh viện. Tôi đến trường xin bảo lưu kết quả học cho con, rồi quay lại bệnh viện, ngày ngày túc trực chăm sóc con. Nhìn con mê mẩn trong giấc ngủ nhờ tác dụng của thuốc mà lòng người mẹ như tôi như cắt từng đoạn ruột, đau đớn vô cùng. Giá có thể để tôi gánh chịu những nỗi đau bệnh tật của con thì tôi sẵn sàng chấp nhận, dù phải đánh đổi nhiều lần hơn nữa.

Điều trị tại bệnh viện 4 tháng, tâm tính con bé P. dịu xuống, không còn la hét, chửi bới, ảo tưởng nữa, tôi làm đơn xin đưa con về điều trị bằng thuốc tại nhà. Nhưng từ ngày uống thuốc, đứa con gái hay cười, hay nói, nhanh nhẹn của tôi đã biến mất hẳn, thay vào đó là con bé trầm tính, tác dụng của thuốc làm nó ngủ say sưa và phát béo phì. Nhìn con, nước mắt tôi cứ thế rơi lã chã mà không sao kìm nén được, nhưng trước mặt con, tôi cố gắng mỉm cười, động viên để con bé tìm thấy niềm tin và tinh thần thoải mái trong quá trình chữa bệnh của mình.

Khi con bé P. mắc bệnh, người yêu nó cũng quay gót ra đi không một lời hỏi han. Con bé vẫn nhận thức được điều đó. Hận tình, rồi mặc cảm bệnh tật, nó bỏ uống thuốc. Thậm chí, sợ mẹ mắng, nó cầm thuốc uống nhưng lại ra ngoài nhổ đi. Căn bệnh quay trở lại. P. bỏ nhà đi liên tục mỗi tuần 2-3 buổi, nhưng cũng may, con bé chỉ đến nhà người quen nên mọi người đều báo cho gia đình xuống đón về. Tháng 8 vừa rồi, P. bỗng nhiên phát bệnh, đập phá đồ đạc, cào cấu mọi người. Sợ căn bệnh phát tác nặng quá, vợ chồng tôi đưa con đi bệnh viện. Bốn tháng chăm con ở bệnh viện là bốn tháng tôi sống trong địa ngục của nỗi đau, nước mắt và sự bất hạnh. Mỗi lần thấy còn nổi điên, lòng người mẹ như tôi lại quặn đau, nhức nhối, chỉ muốn phát điên lên với con. Thuốc và các liệu pháp trị bệnh làm cho tinh thần con bé dần đi vào ổn định.

Bi kịch thứ hai

Nhưng tai họa này chưa hết, tai họa khác lại dồn dập đổ lên gia đình tôi. Ai đã từng làm mẹ, sẽ hiểu và thông cảm cho nỗi lòng của tôi. Thà rằng, tôi đứng ra gánh thay tội lỗi, những nỗi đau mà các con tôi đang phải trải qua, chứ sao tôi có thể đứng nhìn chúng đang ngày càng chết dấn chết mòn đi như thế?

Căn bệnh của P. vừa xuôi xuôi thì tôi nhận được hung tin là con trai út đã bỏ nhà ra đi chỉ để lại một tin nhắn: “Con bị bệnh thận giai đoạn cuối, muốn lên chùa để được siêu thoát kiếp sau và không muốn làm hưởng đến gia đình”. Đó là đứa con trai tôi kỳ vọng nhiều nhất, tin tưởng nhất. Chẳng nhẽ, nó bị bệnh thật sao? Không lẽ, nó sợ mang lấy gánh nặng cho bố mẹ khi gia đình đang dồn hết tiền để chữa bệnh cho chị gái? Hôm thằng bé đi, không ai dám thông báo cho tôi, nhưng linh tính người mẹ khiến tôi bất an trong lòng. Những giấc mơ kinh hoàng thỉnh thoảng hiện về trong giấc ngủ của tôi, rằng hình bóng con tôi đứng ở đằng xa, ngoái đầu lại nhìn tôi rồi lặng lẽ bỏ đi. Nghe hung tin, tôi sốc nặng. Cả bầu trời sụp đổ trước mặt tôi. Những tôi không thể bỏ đứa con gái đang điều trị để về nhà, dù lòng như thiêu đốt. Việc tìm kiếm con trai, tôi dành cho chồng và hai đứa còn lại. Nửa tháng sau, bác sỹ bảo P. có thể tự chữa bệnh ở nhà, tôi vội gói ghém đồ đạc về nhà mà lòng chỉ cầu mong tất cả chỉ là một giấc mơ, con trai tôi sẽ ra đón mẹ và chị gái ở cổng. Nhưng sự thật là thằng bé đã bỏ nhà đi mà không mang theo hành lý, giấy tờ tùy thân, đến giờ vẫn chưa tìm ra tung tích.

Chồng và các con của tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm, xuống trường xác minh bệnh tình, hỏi thăm phòng trọ về cách sống của con có gì khác, cả việc in giấy tìm người thân phát dọc bến xe nhưng đều bặt vô âm tín. Hễ ai bảo thấy một người na ná giống người trên ảnh, hai vợ chồng đều lần đến nhưng không gặp. Tin nhắn bảo con đến chùa, tôi đi hết các ngôi chùa quanh khu vực gần xa cũng không thấy manh mối nào. Tôi còn đi cúng, đi xem tướng pháp, lên đồng... để hỏi về cung số của con trai, đồng thời, cầu khấn để con bình an, hạnh phúc và nhanh chóng vượt qua kiếp tai ương để về với gia đình, nhưng đến nay, đã hơn 5 tháng từ ngày cháu bỏ đi, tôi vẫn chưa nghe được tin tức nào về con. Thương con, nhớ con, tôi ăn không nổi, nuốt không trôi, cơ thể tôi vì thế mà ngày càng héo úa. Chồng tôi - người đàn ông mạnh mẽ mà tôi đã từng gặp, chỗ dựa tinh thần cho tôi - cũng không chịu được cú sốc quá lớn đã ngã bệnh. Tôi biết, ông cố giấu nỗi buồn, nước mắt để ngày ngày đi lấy hàng về bán để kiếm tiến chữa bệnh cho con.

Tôi không hiểu tại sao, những bất hạnh cứ ập xuống gia đình tôi, hành hạ các con tôi, làm đau đớn trái tim người mẹ như thế. Tôi vẫn tin, con trai tôi sẽ về một ngày gần nhất. Tôi phải sống khỏe để chờ con trở về và chăm sóc, động viên con gái tôi chữa bệnh. Ngồi đây, viết lên những dòng này, tôi muốn nhắn nhủ đến con trai tôi: Con à, con ở đâu về với mẹ, con nhé! Mẹ ở nhà vẫn ngóng tin con…”