Nợ xấu ngân hàng có tăng mạnh nếu Thông tư 01 không được gia hạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giúp tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng biến động không quá lớn. Câu hỏi đặt ra là khi Thông tư này hết hiệu lực, liệu nợ xấu các ngân hàng có tăng mạnh?

Thông tư 01 được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 13/3/2020 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Việc ban hành Thông tư 01 đã cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc “khoanh nợ”, giữ nguyên nhóm nợ đối với những tài sản, khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, nợ xấu của các nhóm được tạm giữ nguyên thay vì có nguy cơ “nhảy nhóm”, làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu, nhất là trong bối cảnh dư nợ cho vay bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc cho phép khoanh nợ theo Thông tư 01 cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro đáng kể khi nợ xấu có xu hướng tăng trở lại sau khi Thông tư này hết hiệu lực.

Việc cho phép khoanh nợ theo Thông tư 01 giúp tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng được kiềm chế

Việc cho phép khoanh nợ theo Thông tư 01 giúp tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng được kiềm chế

Theo thống kê, tính trên cả 21 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,74% vào cuối quý 2/2020 và 1,82% vào cuối quý 3. So với cuối quý trước, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) tăng lần lượt 30,5% và 2,7%, trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 3,4%. Tỷ trọng nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 cuối quý 3 lần lượt ở mức 31,8%, 19,6% và 48,6% so với tổng nợ xấu.

Tỷ lệ tạo mới nợ xấu (thay đổi nợ xấu/dư nợ trung bình quý) sau khi tăng lên 0,23% trong quý 1/2020, tỷ lệ này vẫn tiếp tục ở mức 0,1% trong quý 2 và 0,12% trong quý 3/2020.

Theo đánh giá của Fiin Group trong báo cáo mới đây, nếu không có việc khoanh nợ theo Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn. Việc xác định mức cụ thể cao hơn ra sao sẽ tùy thuộc danh mục tín dụng của từng ngân hàng, tuy nhiên, theo Fiin Group, có thể có những đánh giá sơ bộ dựa trên phân ngành dư nợ của mỗi ngân hàng.

Trên thực tế, cơ cấu dư nợ phân theo các nhóm ngành không được các ngân hàng phân tách đầy đủ trong thuyết minh báo cáo tài chính quý 3. Nhưng trong 6 ngân hàng có phân tách đầy đủ thì tỷ lệ 3 nhóm ngành có dư nợ lớn nhất vẫn là Dịch vụ công cộng và cá nhân, Sản xuất và Thương mại. Đây là những ngành có khả năng phục hồi tốt trong quý 4.

Trong khi đó, lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, vốn được xem là bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 - chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng dư nợ tín dụng các ngân hàng này. Do đó, Fiin Group cho rằng ảnh hưởng đối với nợ xấu sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực là không quá nghiêm trọng.

“Nếu như tiếp tục duy trì được sự kiểm soát Covid-19 tại Việt Nam và cùng với đà phục hồi của các nhóm ngành bị ảnh hưởng thì chúng tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề tạm thời của ngành ngân hàng. Sự hồi phục và cải thiện từ các ngành khác và việc đa dạng hóa cơ cấu thu nhập, nhất là từ dịch vụ sẽ góp phần để các ngân hàng lấp bù vấn đề nợ xấu từ các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này trong quý tới và năm 2021” – Fiin Group nhận định.

Tuy nhiên, Fiin Group cũng lưu ý, ngoài nợ xấu từ tín dụng thì danh mục trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm trái phiếu các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố rủi ro đáng theo dõi.

Cuối tháng 9/2020, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 8,2% dư nợ tín dụng, tuy nhiên, hoạt động phát hành mới đã giảm rất mạnh sau khi được siết lại bởi Nghị định 81 của Chính phủ.