Nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo tài chính quý 3/2020 của các ngân hàng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều có nợ xấu tăng mạnh, trong đó có những nhà băng tăng tới hơn 50%.

Nợ xấu tăng ở hầu hết các ngân hàng

Như tại Vietinbank, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/9/2020 là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.200 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng khoảng 40%.

Trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm từ trên 7.200 tỷ đồng xuống 4.161 tỷ đồng thì nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) lại tăng mạnh gấp gần 6 lần, từ 2.062 tỷ đồng lên 11.918 tỷ đồng. Nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tai Vietinbank cũng tăng khá mạnh, từ mức khoảng 1,15% lên gần 1,88%.

Tại Vietcombank, trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu ngân hàng này cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36% lên 7.885 tỷ. Trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, lần lượt 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank cũng tăng từ mức 0,79% cuối năm 2019 lên 1,01%.

Tương tự, tại BIDV, nợ xấu cũng tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, từ mức xấp xỉ 19.500 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 22.525 tỷ đồng tính đến hết quý III, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn đã chiếm gần như toàn bộ 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm tại ngân hàng này.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại BIDV vì vậy cũng tăng từ mức trên 1,75% lên 1,96%.

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm

Hay tại ACB, nợ xấu nội bảng tính đến ngày 30/9/2020 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần, lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.

Nợ xấu MBBank hợp nhất cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%. TPBank tăng 59% lên 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Sacombank nợ xấu nội bảng cũng tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng trong khi ngân hàng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC…

Theo quan sát của phóng viên, trong số gần 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có vài ngân hàng có nợ xấu giảm, còn lại đều tăng. Dù vậy, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%.

Tín dụng tăng chậm cũng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, các đơn vị trong toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện trong gần 3 năm qua với hiệu quả cao, nhiều vướng mắc khó khăn được khắc phục.

Theo thống kê, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng 167.900 tỷ đồng, chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74.900 tỷ đồng; các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69.500 tỷ đồng.

Lý giải tỷ lệ nợ xấu tăng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

“Trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, nếu dịch tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế, dịch vụ thì nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên. Ngân hàng Nhà nước đã giao các đơn vị chức năng đánh giá phân tích ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng ” – bà Nguyễn Thị Hồng nói.