Lãi suất cho vay giảm không tương xứng lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Số liệu thống kê cho thấy biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết đã tăng mạnh trong quý 3/2020, với mức tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với quý 2/2020, lên mức 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý 1/2018.

Biên lãi ròng cao kỷ lục

Theo dữ liệu của Fiin Group, trong quý 3/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết (chiếm 64,3% dư nợ toàn hệ thống) tăng 12,3% so với quý 2/2021 và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này lại giảm nhẹ so với quý 2 và tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý 2, tăng 19,8% so cùng kỳ. Việc này cho thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập dự phòng trong quý 3, sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,9% trong quý 2 so với quý 1.

Tuy nhiên, Fiin Group lưu ý, do Thông tư 01/2020/TT-NHNN, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho ác khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chỉ phải trích lập tương ứng.

Lãi suất huy động giảm mạnh giúp biên lợi nhuận các ngân hàng tăng

Lãi suất huy động giảm mạnh giúp biên lợi nhuận các ngân hàng tăng

Tính chung cả 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 10,2% và mức tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp quan trọng trong thu nhập của các ngân hàng là nhờ biên lãi ròng (NIM) tăng mạnh. Trong đó, Báo cáo cho biết, NIM của 21 ngân hàng niêm yết đã tăng mạnh trong quý 3/2020 trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong bối cảnh lãi suất thấp hiện nay.

Cụ thể, NIM của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với quý 2/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ Quý 1/2018 giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ BVB) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý 2/2020, cho thấy tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong quý 3/2020.

Duy trì được lãi suất cho vay, thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 ngân hàng (trừ Bảo Việt Bank - BVB) đã tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với quý 2/2020. Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng.

"Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý 2/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua" - báo cáo Fiin Group cho biết.

Fiin Group chỉ ra, tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong quý 3/2020 đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao.

Xu hướng tín dụng cá nhân tăng tốc trở lại góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn.

Hai ngân hàng có tín dụng cá nhân tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3/2020 là MBB (từ 1,1% cuối quý 2/2020 lên 10,9% cuối quý 3/2020) và VIB (từ 8,2% cuối quý 2/2020 lên 16,7% cuối quý 3/2020). Theo đó, NIM của MBB và VIB tăng lần lượt 11 điểm cơ bản (bps) và 12 bps trong quý 3/2020 lên mức NIM tương ứng là 1,31% và 1,12%, đứng thứ 3 và thứ 5 trong 21 ngân hàng niêm yết.

Tiếp tục xu hướng giảm lãi suất huy động

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng đang cơ cấu lại biểu lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm lãi suất với mức giảm phổ biến từ 0,1-0,2%/năm. Khảo sát cho thấy, thời điểm này lãi suất huy động cao nhất ở nhóm "big 4" ngân hàng quốc doanh (VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank) chỉ còn 5,6%/năm, thấp hơn nhiều mức cuối năm ngoài (6,8 - 7%/năm).

Tại Vietcombank, các kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm từ 4,2%/năm xuống 4%/năm; 3-5 tháng giảm từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; 1-2 tháng giảm từ 3,3%/năm xuống 3,1%/năm.

Tại VietinBank, kỳ hạn 6 tháng – dưới 12 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 4%/năm; kỳ hạn 3 tháng – dưới 6 tháng giảm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng còn 3,1%/năm. BIDV, Agribank cũng điều chỉnh lãi suất về mức tương tự.

Đáng nói, các ngân hàng hiện nay thậm chí còn đẩy mức lãi suất huy động kỳ hạn dài xuống mức thấp hơn các kỳ hạn khác, cho thấy nhu cầu huy động vốn dài hạn không còn quá bức thiết.

Trong khi đó, về lãi suất cho vay, một số ngân hàng cũng tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau, như khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng vay mua nhà, mua xe...

Theo khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm trong quý 4 và cả năm 2020 với mức giảm khoảng 0,1 điểm % trong quý cuối năm.

Ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với người dân

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và toàn ngành ngân hàng là phải điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu biện pháp giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản. "Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân" - Thủ tướng nói.