Xử lý nợ xấu: Ngân hàng nộp hàng chục hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn, Tòa chưa xử vụ nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong số nhiều chục hồ sơ đề nghị được các ngân hàng gửi Tòa án xin được áp dụng thủ tục rút gọn, chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn, mới chỉ có một số vụ được Tòa thụ lý.

Xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 1,96%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.113,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2020 xử lý được 63,81 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ước tính của NHNN dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm % so với cuối năm 2019).

Tính chung, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 7/2020 ở mức 4,47%, ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 4,49%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2020, cả hệ thống TCTD đã xử lý được 303,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn nhiều vướng mắc

Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn nhiều vướng mắc

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 164 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,1% tổng nợ xấu đã xử lý); Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 71,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng nợ xấu đã xử lý); Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 68 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,4%).

Chưa có vụ án nào được xử theo trình tự rút gọn

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp rất nhiều vướng mắc. Đặc biệt, với quy định xử theo trình tự rút gọn, tại Điều 8 Nghị quyết 42 đã cho phép nhưng việc áp dụng còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu do các TCTD báo cáo, một số TCTD đã áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm và đang được Tòa án các cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Cụ thể, ngân hàng Agribank đang có 10 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn và vẫn đang chờ được Tòa án xem xét thụ lý. BIDV đã có 19 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn đã được Tòa án thụ lý, trong đó có 06 hồ sơ đang giải quyết, 6 hồ sơ đã giải quyết nhưng được chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường, 7 hồ sơ chưa được giải quyết.

Các ngân hàng khác như ACB, VPBank; VIB và Nam Á Bank mỗi ngân hàng có 1 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn nhưng chưa nhận được văn bản Tòa án có chấp nhận thụ lý vụ án hay không…

Đồng thời, mới ghi nhận 2 hồ sơ được Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn: OCB (Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau) và SCB (Tòa án nhân dân Quận 8, TP. HCM).

Theo NHNN, nguyên nhân của thực trạng trên là theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn.

Theo đó quy định, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Quy định này dễ dẫn đến trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện xét xử theo trình tự rút gọn, mà đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường.