Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn
Mở đầu phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra băn khoăn khi số liệu về nợ xấu ngân hàng không thống nhất. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, luôn có 2-3 số liệu khác nhau về nợ xấu. Khi chưa hội nhập, nội bộ ngành ngân hàng cũng có 2 số liệu, một do các ngân hàng thương mại báo cáo và hai là số liệu đã được NHNN giám sát, thanh tra. Khi hội nhập, các tổ chức quốc tế tham gia thị trường và cũng đánh giá nợ xấu coi như một điều kiện phản ánh môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, số liệu công bố của NHNN là chính xác nhất. “Con số này là đáng báo động nhưng chưa đến mức hốt hoảng, nguy kịch hóa”. Thống đốc trấn an và cho biết các ngân hàng đã trích lập 70.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, 84% khoản nợ của hệ thống đều có tài sản đảm bảo bằng 135% giá trị khoản nợ.
Các số liệu vênh nhau có nguyên nhân khách quan là do cách tính và cũng có nguyên nhân chủ quan do các ngân hàng tìm cách che giấu để giảm tỷ lệ trích lập dự phòng, đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận. Qua kiểm tra, NHNN đã phát hiện tại 9 ngân hàng yếu kém, có ngân hàng nợ xấu lên đến 30%, thậm chí 60%, mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ nhưng vẫn báo cáo lãi. Thời gian qua, NHNN đã xử lý nghiêm về việc một số ngân hàng báo cáo nợ xấu không đúng với sự thật nhưng hiệu quả chưa cao. Trong việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận NHNN không có đủ nhân lực để tiến hành thanh tra tại chỗ mà chủ yếu là giám sát từ xa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2013, nợ xấu có giảm được không và giảm xuống mức bao nhiêu. Với câu hỏi trực diện này, Thống đốc NHNN không dám chốt thời điểm và con số cụ thể mà chỉ nói chung chung sẽ phấn đấu đưa nợ xấu xuống ngưỡng an toàn theo chuẩn mực quốc tế (3%) vào cuối nhiệm kỳ.
Về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc tỏ ra thận trọng vì nếu tiếp tục giảm lãi suất nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ người dân chuyển sang đầu cơ vàng, ngoại tệ, không có lợi cho nền kinh tế. Liên quan đến các câu hỏi về khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới, Thống đốc cho biết đã yêu cầu các ngân hàng hết sức chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên nợ xấu đang là vấn đề hết sức căng thẳng nên mục tiêu giảm nợ xấu phải được thực hiện. Bên cạnh việc giảm nợ xấu cũ, các ngân hàng phải đảm bảo không làm phát sinh nợ xấu ở các khoản vay mới.
Trả lời câu hỏi về việc có hay không hiện tượng thâu tóm trong sáp nhập ngân hàng, Thống đốc cho biết, đối với các ngân hàng niêm yết, có thể có hiện tượng một nhóm người mua cổ phiếu của ngân hàng nào đó để giữ tỷ lệ chi phối. Chỉ khi Đại hội cổ đông hoặc Uỷ ban Chứng khoán kiểm tra thấy vượt quy định mới phát hiện được để xử lý. Trong số 3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên trong đợt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vừa qua cũng có “màu sắc” của hoạt động thâu tóm. Trong quá trình thanh tra, NHNN đã phát hiện tại 3 ngân hàng này có sở hữu chéo và vay mượn chéo nên buộc phải sáp nhập lại thành một ngân hàng hợp nhất để thực hiện tái cấu trúc.