Ninh Hiệp: Vợ quặt quẹo vì chồng U50 vẫn ham muốn vô độ

ANTĐ - "Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Nhưng đối với những người có nguy cơ bị bạo lực thường xuyên, họ cần được xây dựng các "kế hoạch an toàn" để bảo vệ mình ngày lập tức, trước khi chính quyền vào cuộc"

"Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Nhưng đối với những người có nguy cơ bị bạo lực thường xuyên, họ cần được xây dựng các "kế hoạch an toàn" để bảo vệ mình ngày lập tức, trước khi chính quyền vào cuộc". Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ tại buổi nói chuyện với các hội viên CLB Phụ nữ Thủ đô về chủ để "Vai trò của phụ nữ trong phòng chống bạo lực gia đình" tổ chức vừa qua.

Bạo lực gia đình - những ám ảnh không dứt

Chị H tìm đến Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ với tâm trạng hoảng loạn, lo sợ. Trên cơ thể chị, những vết thường cắt chéo nhau chằng chịt chưa liền sẹo và cụt một cánh tay trái. Đó là di chứng để lại trong một lần, chị bị chồng bạo hành dã man. Chị H quê ở Nha Trang, lấy chồng ở Thái Nguyên và có một cậu con trai, nhưng cuộc hôn nhân của chị chứa đầy nước mắt và máu bởi người chồng vũ phu, bạo lực. Sau khi chữa bệnh, chị rất muốn được về nhà với con trai và tiếp tục công việc nhưng lại sợ phải đối mặt với hàng trăm ngón đòn khủng khiếp từ chồng. Tại Trung tâm, các bác sỹ, chuyên gia tư vấn đã giúp chị ổn định tâm lý, đồng thời giới thiệu chị vào làm việc cho một trung tâm dạy nghề ở Hà Nội.

Buổi tối, chị H về nương náu ở chùa Bồ Đề và dạy chữ cho các em nhỏ ở đó. Được 6 tháng, khi sức khỏe của chị đã ổn định, cơ quan nơi chị đang công tác ở quê thông báo nếu chị không về tiếp tục công việc sẽ cắt hợp đồng. Chị nghĩ, chồng đã thay tâm đổi tính nên chọn cách về quê để được gần gũi, chăm sóc con trai. Nhưng được một thời gian, chị tiếp tục bị hành hạ! Đau đớn, phẫn uất và trầm cảm, chị H tự tử khi không tìm thấy lối thoát cho bản thân. Con trai chị được gửi cho bà ngoại nuôi. "Chúng tồi đã lên thắp hương cho chị. Ngôi mộ của chị nằm lạnh lẽo, cô đơn, hiu quạnh dưới chân một ngọn đồi. Ai cũng rơi nước mắt, thương cảm và xót xa cho một số phận bạc mệnh" - bác sỹ Quyết kể lại.

Chị H là một trong số hàng trăm trường hợp bạo hành dã man mà Trung tâm đã tiếp nhận và giúp đỡ. Có bà cụ gần 90 tuổi bị các con đuổi ra khỏi nhà chỉ vì tranh chấp mảnh đất bà đang ở, có người vợ bị chồng đánh thành một thói quen: ngày nào không đánh là... không chịu được; cứ say là đánh; về việc đầu tiên là hành hạ vợ... Có hôm 29 Tết, một trạm y tế phường gọi đến nhờ Trung tâm tìm một chỗ ăn ở cho người vợ và hai đứa con bị chồng, bố đuổi ra khỏi nhà. Có người phát điên vì bị bạo lực quá nhiều lần. Có trường hợp đánh vợ, ông con rể còn gọi điện cho bố vợ sang "chứng kiến" thậm chí đến lúc ly hôn, ông con rể vẫn sang nhà bố vợ đập phá, chửi bới, gây sự suốt mấy năm liền...

Có nạn nhân ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, HN) bị bạo lực đến mức cơ thể gầy gò, dáng đi xiêu vẹo, giọng nói run rẩy, yếu ớt. Chị chỉ dám cúi mặt kể chuyện của mình bằng những âm thanh lọt qua hơi thở gấp gấp, sợ hãi: Hai vợ chồng chị đã ngoài 50 nhưng chồng chị có nhu cầu tình dục rất mạnh. Tối nào cũng thế, chị bị chồng "hành hạ", thậm chí còn sử dụng vũ lực để "thỏa mãn". Hôm nào mệt chị từ chối thì chồng chị cho rằng chị lăng loàn và "sẽ ngoại tình nếu chị không thể phục vụ". Sợ mất chồng và muốn bảo vệ hạnh phúc, chị nghiến răng chịu đựng. Đến khi không thể chịu đựng được nữa, phần kín của chị cũng bị tổn thương, chị mới đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám và nhờ Trung tâm tư vấn.

Ảnh minh họa

"Bạo lực khiến phụ nữ bị bầm dập, thương tích nặng, bị mất đi một phần cơ thể, khiến họ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, tâm trí bất ổn, thậm chí bị tâm thần... Ngoài bạo lực có thể nhìn thấy được như những tổn thương thể xác, thì bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục còn khủng khiếp hơn nhiều. Bạo lực bào mòn sức sống, trí tuệ, giết chết người phụ nữ bằng vũ khí vô hình mà chính họ cũng không thể cầu cứu được, bởi tâm lý vẫn coi đó là vấn đề tế nhị"- Bác sỹ Quyết cho biết.

"Kế hoạch an toàn" chống bạo lực gia đình

Nghiên cứu về bạo lực gia đình (BLGĐ) quốc gia năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ Việt Nam đã từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực; 50% các bà vợ bị bạo lực cũng cho biết, các ông chồng đang gây bạo lực lên vợ con cũng đã từng chứng kiến cảnh mẹ mình bị bố đánh hoặc bản thân bị bố đánh chửi. "Ngăn chặn bạo lực ngay khi mới phát sinh. Tâm lý nín nhịn, cam chịu của phụ nữ sẽ tạo cơ hội cho người chồng tiếp tục hành vi bạo lực ngày càng nhiều. Lần đầu tiên là chửi mắng, đến lần thứ hai là tát, đánh đập và tiếp theo sẽ là dao kề cổ..."- bác sỹ Quyết chia sẻ.

Trên thực tế, nhiều chị em vẫn coi chuyện vợ chồng là đóng cửa bảo nhau. Thậm chí, có những người bị đánh đến thừa sống thiêu chết vẫn khăng khăng giấu chuyện chồng đánh, vẫn bảo vệ chồng trước sự trừng phạt của pháp luật. Để ngay sau đó, chị tiếp tục nhập viện trước những đòn ác man của người chồng mà chị vừa bảo lãnh. Bác sỹ Quyết cho rằng, phụ nữ cần mạnh mẽ chống lại, ngăn chặn một cách dứt khoát. Muốn làm được điều đó, phụ nữ phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức về gia đình, các văn bản pháp luật và kiên quyết trước bạo lực.

"Chúng tôi chia nạn nhân bị BLGĐ có 2 nhóm đối tượng: nhóm đối tượng từ 30 tuổi trở xuống khi bị bạo lực, họ thường tỏ thái độ rất bức xúc, gay gắt và mong muốn cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh hành vi bạo lực của chồng. Tuy nhiên, phần đông phụ nữ chỉ kiên quyết được "một vài ngày" và dễ dàng tha thứ cho chồng để "anh ấy suy nghĩ lại". Còn các nạn nhân từ 30 tuổi trở lên lại thể hiện sự cam chịu, nhẫn nhục, níu kéo hôn nhân vì con cái, ràng buộc về kinh tế, chỗ ăn ở...

Trong khi đó, hệ thống can thiệp khi bạo hành xảy rà còn "nửa vời". Nhiều cấp chính quyền vì muốn gia đình không tan vỡ mà người ta khuyên nên nín nhịn, bỏ qua, "ít nói" "chín bỏ làm mười" rồi bỏ qua sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Với người bạo lực, chính quyền chỉ nhắc nhở qua quýt, không có những hình thức nghiêm khắc đối với những lời đe dọa tính mạng, cán bộ chính quyền cũng thiếu nhạy cảm về mức độ nguy hiểm" thường gạt đi là "chỉ nói chứ khống dám làm". Sau khi được người gây bạo lực hứa hẹn sẽ yêu thương vợ con, không đánh đập nữa, chính quyền cũng tin ngay mà không theo dõi, giám sát thêm.

Ảnh minh họa

"Nhiều phụ nữ tìm đến chúng tôi đã cảm thấy rất chán nản, thất vọng và cô độc khi tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền. Can thiệp phòng chống BLGĐ phải theo bài bản, kiên quyết nhiều đối tượng tham gia "vai" nào "kép" ấy và "phòng là chính". Đừng để bạo lực diễn ra rồi mới chống lại thì nạn nhân đã phải chịu đựng nỗi đau vô cùng lớn" - bác sỹ Quyết cho biết.

Xây dựng hạnh phúc gia đình là điều mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng mong đợi. Nhưng khi bị bạo lực, chính phụ nữ cần phải có những "kế hoạch an toàn" để phòng và chống BLGĐ khi xảy ra" và đừng bao giờ dung túng cho bạo lực". "Kế hoạch an toàn" trong công tác phòng, chống BLGĐ có mục đích nhằm "phòng" trước khi "chống" và giảm thương tích khi bạo lực xảy ra. Khi bị đánh, người phụ nữ cần biết kiềm chế bản thân để tránh xô xát hay "đổ thêm dầu vào lửa". Sau đó, tìm cách "thoát hiểm" như đứng ở nơi dễ chạy thoát, định vị hướng chạy để có thề tìm nơi an toàn. Các chị em thường xuyên bị bạo lực nên chuẩn bị những giấy tờ tùy thân và một khoản tiền để "phòng thân", khi rời khỏi nhà vẫn có thể sống ở nơi tạm lánh trước khi chính quyển vào cuộc xử lý.