Những trận lũ từng "tấn công" "thủ phủ" du lịch Khánh Hòa

ANTD.VN - Mấy năm trở lại đây, Khánh Hòa luôn là điểm “ghé thăm” của hàng loạt những trân lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Khánh Hòa vốn là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, thế nhưng mỗi khi các cơn lũ đi qua, dư âm của nó để lại khiến nhiều người bàng hoàng, sợ hãi. Cùng điểm lại những trận lũ lịch sử từng “tấn công” vào Khánh Hòa để thấy được sức tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên.

Nhiều người chết, mất tích do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Theo thông tin trên ANTĐ, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, rạng sáng 18-11, Nha Trang mưa tầm tã, nhiều nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng và đã có ít nhất 12 người tử vong.

Hiện tại, vẫn chưa thống kê được mức độ thiệt hại về tài sản, nhà cửa, các công trình xây dựng cũng như tình hình đường sá, cầu cống. Thực tế, mưa lũ khiến nhiều tuyến đường ở Nha Trang bị ngập lụt cục bộ, giao thông hỗn loạn. Trong khi đó, trên địa bàn phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, do sự cố vỡ hồ nước nhân tạo đã làm 2 người chết, 1 người vẫn còn mất tích và 1 người bị thương nặng.

Những trận lũ từng "tấn công" "thủ phủ" du lịch Khánh Hòa ảnh 1 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho TP Nha Trang- Khánh Hòa

Mưa lớn cũng đã khiến tuyến QL1 qua địa bàn bị ngập nghiêm trọng. Có chỗ ngập tới hơn 1m, giao thông bị hỗn loạn. Không chỉ vậy, dải phân cách nhiều điểm cũng bị trôi đi. Tuyến đường sắt đoạn qua TP Nha Trang, huyện Cam Lâm cũng bị tê liệt do ngập sâu trong nước.

Đoàn tàu khách SE7 chạy hướng Bắc - Nam phải dừng ở ga Lương Sơn, cách ga Nha Trang 12 km. Hiện tàu vẫn chưa thể chạy, 400 hành khách vẫn kẹt lại. Gần 40 hành khách tại ga Nha Trang chờ đi tàu được trả lại tiền để đi phương tiện khác.

Ngoài ra, tuyến đường Nha Trang dẫn đến sân bay Cam Ranh cũng bị ngập, các phương tiện không thể lưu thông.

“Nín thở” vì bão Damrey năm 2017

Theo thông tin trên NLD online, ngày 3-11-2017 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 12, thị xã Ninh Hòa đã có mưa lớn đến rất lớn. Nước sông Dinh ở Ninh Hòa vượt báo động 3 gây ngập lụt ở nhiều nơi.

Theo báo cáo sơ bộ, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã làm 1 người mất tích ở thị xã Ninh Hòa, 5 nhà hư hỏng; thiệt hại 1.620 ha lúa hoa màu bị ngập, 5.700 con gia cầm và 200 con gia súc bị chết, cuốn trôi; khoảng 2.350 m đường bị sạt lở, 3.100 m kênh bị sạt lở. Tổng ước tính thiệt hại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 40 tỉ đồng.

Ngoài ra, 2 nạn nhận ở phường Ninh Đa, Ninh Phú bị nước cuốn trong khi đánh cá đang được cơ quan chức năng tìm kiếm. Khánh Hòa là một trong những tỉnh ít bị bão đổ bộ nên tâm lý người dân rất chủ quan, ít có kinh nghiệm trong ứng phó với bão. Chính vì vậy, khi cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ đã gây hậu quả nghiêm trọng cho tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 9.800 tàu thuyền với hơn 730 lao động; trong đó 230 tàu cá với hơn 1.200 thuyền viên đang hoạt động trên biển được thông báo, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 1.500 dân quân tự vệ tại các đơn vị, địa phương sẵn sàng ứng phó. Thế nhưng hậu quả do bão Damrey để lại vẫn vô cùng nặng nề.

Thành phố Nha Trang chìm trong biển nước

Trong hai ngày 3-4-11-2016 mưa lớn kèm lũ trên các sông đã khiến cho thành phố Nha Trang chìm trong biển nước, giao thông tê liệt ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Những trận lũ từng "tấn công" "thủ phủ" du lịch Khánh Hòa ảnh 2 

Mưa lũ khiến cho nhiều nhà dân ở TP Nha Trang bị ngập lụt

Theo TTXVN đưa tin, thành phố Nha Trang đã tổ chức sơ tán 43 hộ dân với 167 khẩu ở vùng thấp trũng thuộc hai xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương đến nơi an toàn. Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, đường từ đèo Khánh Lê đi tỉnh Lâm Đồng bị sạt lở 10 điểm, trong đó có 4 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khá lớn, hiện nay lực lượng chức năng đang tổ chức khắc phục.

Tại thị xã Ninh Hòa, bờ sông Tân Lâm đoạn qua xã Ninh Thân bị sạt lở khoảng 100m. Ở những vùng thấp trũng của các huyện, thị khác cũng đã bị ngập lụt cục bộ. Một số diện tích cây trồng bị đổ ngã.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa đã ra thông báo, yêu cầu các địa phương, ban, ngành chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Trận lụt lịch sử năm 2010 gây thiệt hại nặng về người, tài sản tại Khánh Hòa

Năm 2010, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều địa phương tại Khánh Hòa đã xảy ra ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Những trận lũ từng "tấn công" "thủ phủ" du lịch Khánh Hòa ảnh 3 

Do ảnh hưởng của mưa lũ nhiều tuyến đường tại Khánh Hòa bị sạt lở nghiêm trọng

Theo thông tin trên TPO, toàn tỉnh có 450 nhà bị ngập sâu, 488 ha lúa và 80 ha nuôi thủy sản bị ngập, 8 tàu thuyền bị chìm. Tỉnh đã di dời 270 hộ dân với 1.034 khẩu ở thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh, các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm khỏi các khu vực bị ngập nặng, không an toàn.

Trận mưa lớn sáng 31-10 tại Nha Trang khiến các tuyến đường cửa ngõ như đường 23 Tháng 10, 2 Tháng 4, Phong Châu, nhiều đường phố nội thành, khu vực Đồng Muối (phường Phước Hải), các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp… tiếp tục bị ngập sâu. Viện Quân y 87 ở đường Tuệ Tĩnh cũng bị ngập (đây là chuyện trước kia chưa từng xảy ra).

Nước ngập làm chết cháu cháu Phạm Thành Trung (SN 2008), ở phường Cam Nghĩa (Cam Ranh). Như vậy, Khánh Hòa có 4 người chết trong đợt mưa lũ này. Ngoài ra, chiều tối 31-10 ông Nguyễn Văn Quế (SN 1953, ở xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) bị lật xuồng, mất tích trên sông Cái khi đi thăm con gái.

Nhiều địa phương bị lũ làm sạt đường trên đoạn dài khoảng 20m, khiến một xe máy bị sa hố, hư hỏng nặng. Lũ do mưa lớn sáng 1-11 đã cuốn đất đá phủ ngổn ngang tại Ngã ba Phước Thượng 1 (xã Phước Đồng), khiến xe cộ qua lại hết sức khó khăn. Một mảng đồi La San thuộc trường Đại học Nha Trang (tổ Hải Phước, phường Vĩnh Thọ, Nha Trang) bị lở, hàng trăm tấn đất đá phủ kín phần lòng đường Tôn Thất Tùng, đoạn gần trạm dừng xe buýt. Rất may, không có thiệt hại về người.

Có thể thấy, mưa lũ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân Khánh Hòa. Không những vậy, nó còn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, để hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra người dân cần chủ động sẵn sàng, ứng phó kịp thời khi cần thiết, tránh chủ quan lơ là gây hậu quả nghiêm trọng.