Những số phận đằng sau “mã vạch”

ANTĐ - Trong căn phòng triển lãm, đập vào mắt người xem là những bức ảnh đen trắng chụp những em bé và phụ nữ trong trang phục dân tộc thiểu số, tất cả đều được che mặt bằng những… mã vạch. Và đằng sau mỗi mã vạch ấy, là một số phận con người đã từng được coi là thứ hàng hóa.

Đó là 20 tác phẩm trong triển lãm mang tên “Mã vạch” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Na Sơn trong khuôn khổ triển lãm MTV Exit với mục đích kêu gọi phòng chống nạn buôn bán người. Những nhân vật trong bức ảnh là những đứa trẻ hoặc những sơn nữ bị che ngang mặt bằng một bảng mã vạch. Thông số đầu tiên trên các bảng mã vạch là 893 thể hiện xuất xứ hàng hóa là từ Việt Nam. Tiếp theo là những con số thể hiện năm sinh và ngày tháng bị bắt cóc (hoặc bị bán). Dưới mỗi bức ảnh là những dòng chú thích ngắn gọn thể hiện hoàn cảnh bị bắt và số phận nhân vật. 

20 bức ảnh là 20 số phận trong hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân của nạn buôn bán người. Trong số họ, có những người may mắn được giải cứu và nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường, song có những người gia đình họ không còn trọn vẹn. Như trường hợp 4 đứa con của anh Giàng Mý L., trong lúc người lớn đi vắng đã bị kẻ gian dụ dỗ bắt cóc qua biên giới ngày 21-1-2007 bán với giá 8.000 NDT. Bi đát hơn là trường hợp 2 em Vàng M.L. (SN 2003) và Vàng Mý L. (SN 2006) (là 2 trong số 3 đứa trẻ bị bắt cóc của 1 gia đình) ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang. Đêm 28-2-2007, một số đối tượng đã đột nhập vào nhà, sát hại bố mẹ các em và bắt cóc 3 người con qua biên giới. Lúc đó, cháu Vàng Mý L. mới được 7 tháng tuổi. Ngày trở về, không còn bố mẹ, các cháu được Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang nhận nuôi…

Những nhân vật trong bức ảnh – nạn nhân của tình trạng buôn bán người được nghệ sĩ nhiếp ảnh Na Sơn chụp ở chính nơi họ sinh sống hoặc nơi họ bị kẻ gian bắt đi với những công việc thường nhật của họ như ngồi chơi, cõng củi, xay ngô… Bảng mã vạch mà tác giả cố ý dùng để che đi khuôn mặt của nhân vật chính làm người xem thấy “bức bí”, vì nếu bỏ nó đi thì bức chân dung sẽ đẹp hoàn hảo hơn, sẽ có hồn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài mục đích che đi gương mặt thật nhằm bảo vệ nhân thân của họ trước định kiến thì việc sử dụng mã vạch cũng là một hàm ý của tác giả. Đó là sự thật tàn nhẫn - họ, những con người nhưng đã từng bị đối xử không giống con người mà bị biến thành món hàng hóa, thậm chí với giá vô cùng rẻ mạt. 

Chọn nghệ thuật nhiếp ảnh với ý tưởng sáng tạo để nói về sự nhẫn tâm của tệ nạn buôn bán người, Na Sơn đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Anh cho biết, đã phải mất khá nhiều thời gian và công sức vào việc gom tư liệu, đọc hồ sơ hàng trăm vụ án buôn bán người, để chọn nhân vật và tìm đến chụp những bức ảnh của họ. Tuy nhiên, có không ít trường hợp anh không thể gặp được nhân vật vì sau khi được giải cứu về Việt Nam, họ đã tự nguyện trở lại để biến mình thành món hàng hóa ở bên kia biên giới. Nạn buôn bán người ở các tỉnh miền núi diễn ra phổ biến đến mức nhiều nạn nhân không còn thấy mình là hoàn cảnh dị biệt. Cuộc sống thiếu thốn đã khiến họ thản nhiên chấp nhận việc mình trở thành một món hàng hóa, đó là một sự thật khủng khiếp mà anh thấy được trong hành trình chụp những bức chân dung bị che mặt này.

Chỉ với 20 bức ảnh, nhưng triển lãm đã làm toát lên một cách đầy đủ và đầy ám ảnh về những thân phận người, về những đứa trẻ đáng thương và đó là thực trạng buồn về nạn buôn bán người ở Việt Nam.