Những quy định hết sức nhân văn

ANTĐ - Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, khi chính sách hỗ trợ được thông qua, ngư dân sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép để vươn khơi, vừa phục vụ đánh bắt xa bờ, vừa tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo. 

Những quy định hết sức nhân văn ảnh 1


- PV: Ông nhìn nhận thế nào về chính sách hỗ trợ ngư dân vừa được  Bộ NN&PTNT trình Chính phủ?

- Ông Trần Cao Mưu: Đây không phải là chính sách đầu tiên hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, chính sách lần này có nhiều điểm mà trước đây chưa từng có nhằm kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Đột phá nổi bật là việc tập trung hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay tới 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, vỏ gỗ là 70% trong 7 năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay chỉ 3%/năm (tức chỉ chưa bằng 50% lãi suất huy động) và được ân hạn 1 năm. Chính sách này góp phần tạo sự đột phá cho phát triển nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân; tạo điều kiện cho ngư dân an tâm khai thác, chủ động trong phòng tránh rủi ro. 

- Chính sách mới còn đề xuất chế độ bảo hiểm cho ngư dân, ông đánh giá thế nào?

- Đây cũng là nội dung rất quan trọng. Cụ thể, với ngư dân chết, mất tích khi khai thác trên biển, được hỗ trợ tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; đồng thời được cấp 15kg gạo/tháng/người trong thời gian 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, người thân (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi sống phụ thuộc… 

Đây là những quy định hết sức nhân văn, bởi chúng ta đã hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của ngư dân. Khi có sự đồng cảm, chia sẻ như vậy, chắc chắn ngư dân sẽ an tâm bám biển. 

ĐB Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. HCM: Đóng tàu lớn mua buôn ngay trên biển

“Đánh bắt cá nằm trong nhóm nghề cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước đây chúng ta từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhưng không thành công. Nay chúng ta phải tính toán lại, nên áp dụng phương thức Nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua trả góp.
 Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn gắn với đội tàu của ngư dân. Tàu lớn mua buôn ngay trên biển, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho ngư dân đánh bắt hàng tháng trên biển. Những tàu lớn đó mang tính chuyên nghiệp có đủ thiết bị bảo quản sản phẩm để trở thành “con sếu” đầu đàn. Ngư dân lúc đó chỉ lo đánh bắt, còn việc tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước phải giúp xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm của ngư dân ra thị trường thế giới”. 

ĐB Võ Thị Dung - Chủ tịch ủy ban MTTQ TP. HCM: Cần đề án tổng thể hỗ trợ  lâu dài 

“Hiện nay, ngư dân mong nhất là có phương tiện để ra khơi. Tàu đó vừa phục vụ khai thác thủy hải sản, vừa góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cho nên, khi Chính phủ bàn để hỗ trợ ngư dân, việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để giúp ngư dân có được những tàu đánh cá đảm bảo việc khai thác đánh bắt xa bờ, chịu được sóng to gió lớn để vươn khơi xa lâu ngày, ổn định.

Bên cạnh đó, cần có đề án tổng thể  để làm sao đảm bảo được cuộc sống lâu dài của ngư dân, nghĩa là sản phẩm của họ làm ra phải mang lại hiệu quả. Ngư dân đem sinh mạng của mình ra để mưu sinh mà chẳng có ai giàu. Tình hình kinh tế đất nước hiện nay có khó khăn nhưng chúng ta có thể cân đối các nguồn khác, thắt chặt chi tiêu để ưu tiên lo cho ngư dân, lo cho biển đảo”.

ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Kịp thời, đúng đối tượng

“Nghề cá đứng quan trọng nhất nhì trong phát triển kinh tế biển, song vừa qua, chính sách của chúng ta còn chậm, chưa theo kịp tình hình thực tế. Nếu không được đầu tư xứng đáng, ngư dân ta sẽ rất thiệt thòi so với Trung Quốc. Nay, khi Chính phủ ban hành chính sách mới, phải tập trung đưa ưu đãi tới ngư dân trong thời gian sớm nhất có thể. Chính sách hỗ trợ ngư dân rất đúng và trúng, song, ưu đãi này phải đảm bảo đúng người, đúng mục đích. Chỉ có ngư dân bám biển thực sự mới được thụ hưởng chính sách này, không thể để rơi vào tay đối tượng khác. Trước đây, khi triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, đã xuất hiện những hợp tác xã “ma” được lập ra để vay vốn ưu đãi, sau đó bán dự án trong khi ngư dân thực thụ thì lại không tiếp cận được. Chúng ta sẽ không chấp nhận tái diễn chuyện đó”.