Công viên Hà Nội đang biến dạng

Những “phiên bản” nhàm chán

ANTĐ - Nhiều công viên mới của Hà Nội nối đuôi nhau ra đời trong thời gian vừa qua nhưng thật khó để tìm thấy một công viên có bản sắc riêng mà dường như những người xây dựng đang tạo nên những công viên “phiên bản”. 

Công viên Hòa Bình được xây dựng theo lối hoành tráng nhưng chưa thoát được sự ảnh hưởng 
của các công viên trước đó

Tư duy cứng nhắc

Sự cứng nhắc về mặt tư duy đã khiến những công viên mới của Hà Nội mang nhiều đặc điểm từa tựa nhau. Đó là những con đường màu trắng lát bê tông khô cứng, đi kèm với hai hàng cây bên đường mọc lên thẳng tắp. Quảng trường có đặt tượng các danh nhân thì được lát gạch trơn trượt khi trời mưa và nóng đến bỏng rát vào mùa hè. Cổng vào thường rất hoành tráng với những trục lớn cho thấy sự ảnh hưởng của lối làm công viên châu Âu. Những đặc điểm giống nhau này có thể tìm thấy ở công viên Tuổi trẻ, công viên Hòa Bình, công viên Nghĩa Đô... 

Trong khi đó, rõ ràng tên gọi mỗi công viên đã cho thấy cần có tiêu chí khác nhau. Ví dụ như công viên Tuổi trẻ phải thể hiện được nhiệt huyết và sáng tạo của thanh niên. Nhưng thật tiếc, khi bước chân vào đây, du khách thật khó để hiểu được nội dung thật sự của nó với lối kiến trúc và cảnh quan cũ kỹ. Điều mà ai cũng thấy ngay là nhiều diện tích đất ở đây đã được trưng dụng vào mục đích kinh doanh nhà hàng, sân chơi tennis và các hoạt động buôn bán khác. Hay như công viên Hòa Bình còn chứng minh rõ rệt hơn về sự lặp lại đặc điểm của các công viên đã ra đời trước đó. Có chăng, công viên Hòa Bình có thêm tượng đài hoành tráng, ít nhiều cũng tạo được ấn tượng thị giác về ý nghĩa hòa bình. 

Hãy nhìn vào công viên Bách Thảo, công viên ra đời cách đây đã lâu và là công viên đầu tiên của Hà Nội do người Pháp xây dựng. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, người Pháp làm công viên Bách Thảo hay đến mức ngoài ý nghĩa vườn thực vật họ còn rất chú trọng đến yếu tố đặc trưng khí hậu. Điều quan trọng hơn, các thiết kế ở đây rất “phi châu Âu” ở chỗ đường nét mềm mại, uốn lượn. Người châu Âu làm công viên theo lối Baroc với những hàng cây lớn cắt xén có tính cân đối, Bách Thảo không làm theo lối đó, tính nhiệt đới rất rõ, có cây trên mặt nước, cây trên bờ nước, cây sống gửi… 

Bách Thảo hay như vậy nhưng thật tiếc là các nhà xây dựng công viên của Hà Nội đã không mấy chú ý tới yếu tố cây xanh cũng góp phần làm nên bản sắc cho từng công viên. Công viên  nào của Hà Nội cũng thấy những tập hợp cây quen thuộc như phượng đỏ, phượng vàng, bằng lăng… và một số loại cây được nhập khẩu từ nước ngoài về mà rất ít tìm thấy một công viên có bản sắc riêng. Thổ nhưỡng nào, văn hóa nào thì cây cối ấy. Đấy là chưa nói tới tác dụng bảo vệ môi trường và làm sạch không khí của cây xanh. 

Lãng phí khoản đầu tư

Theo ông Nguyễn Minh Quyết, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, đơn vị quản lý Vườn thú Hà Nội và Công viên Hòa Bình thì trong 5 năm trở lại đây, vườn thú Hà Nội cũng được thành phố quan tâm đầu tư, tu sửa nhiều hạng mục. Trong đó đáng chú ý là Dự án cải tạo, chỉnh trang vườn thú Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với nhiều nội dung như chỉnh trang toàn bộ thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đường đi; bổ sung thêm các công trình văn hóa như giàn hoa, nhà trú phục vụ khách; làm 2 đài phun nước lớn… Từ năm 2009 đến nay, các hạng mục như chuồng thú dữ, chuồng voi… cũng được sửa sang nâng cấp để chống thấm dột, cải tạo thêm mới khu trưng bày chim, gà. Tuy nhiên, dường như những thay đổi này chưa tạo nên được sự thay đổi rõ rệt về diện mạo, cảnh quan cũng như đủ sức hấp dẫn khách tham quan. Các hạng mục công trình nhà vệ sinh, nhà chờ… vẫn còn ở trong tình trạng tồi tàn, xuống cấp. 

Trong khi đó, công viên Hòa Bình - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, công viên hiện đại nhất thủ đô với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, lại thường xuyên ở vào tình trạng ế khách. Được biết, trong thời gian tới, ngoài tiến hành tu sửa hạng mục đã xuống cấp, công viên Hòa Bình sẽ được đầu tư bổ sung thêm một số hạng mục như sân trượt patin, lắp đặt một số chuồng chim thuộc nhiều chủng loại… tuy nhiên, nếu không có kế hoạch đầu tư lâu dài và hiệu quả, không biết công viên Hòa Bình có thực sự “chuyển mình”, hay vẫn bị xếp vào danh sách công trình đầu tư tiền tỷ, nhưng… ế khách.  

Sẽ có công viên bán hoang dã?

Ngay tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã có mô hình công viên chuyên đề như Disneyland, công viên nước; công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, hay các công viên sinh thái, công viên tổng hợp với quy mô hiện đại, tầm cỡ, đáp ứng được cả nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của nhiều lứa tuổi. Trong khi đó, niềm mong mỏi có một công viên xứng tầm, trở thành địa chỉ tiêu biểu cho du khách khi đến với Hà Nội còn tương đối xa vời. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quyết cho biết, Vườn thú Hà Nội cũng đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xin địa điểm mới để xây dựng một công viên bán hoang dã với cái tên Hà Nội Safari.

Đề án này dự định triển khai trên diện tích dự kiến 120-150ha, được đề xuất ở hai khu vực chùa Trầm, huyện Chương Mỹ và hồ Linh Quang, Sóc Sơn. Dự kiến đây sẽ trở thành nơi bảo tồn, trưng bày các loài động vật quý hiếm, có thể theo dõi được động vật hoang dã ngày và đêm, hệ thống thực vật đa dạng, phong phú, cùng với đó có thể tích hợp khu dịch vụ, nhà hàng, nghỉ dưỡng… mang tầm cỡ Đông Nam Á, giống như mô hình một số công viên trên thế giới đã có. Tuy nhiên, công trình này hiện vẫn đang được chờ thành phố phê duyệt. Nếu như ở TP.HCM, dự án công viên Sài Gòn Safari rộng gần 500ha đặt tại huyện Củ Chi đang được triển khai, được kỳ vọng sẽ trở thành công viên giải trí - du lịch sinh thái với quy mô lớn nhất Việt Nam, thì Hà Nội vẫn đang chờ đợi một công trình công viên xứng tầm với quy mô, diện mạo của thành phố, thực hiện đúng chức năng của công viên và đáp ứng nhu cầu, mong mỏi chính đáng của người dân thủ đô.