Những phạm nhân nào được chọn thí điểm lao động ngoài trại giam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Nghị định 09/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, phạm nhân được chọn lao động thí điểm ngoài trại giam phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và được trả công…

Nghị định 09/2023/NĐ-CP hướng dẫn về việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép trại giam của Bộ Công an được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để triển khai hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam, danh sách cụ thể do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí được Chính phủ quy định.

Phạm nhân được chọn lao động thí điểm ngoài trại giam phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định

Phạm nhân được chọn lao động thí điểm ngoài trại giam phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định

Tiêu chí lựa chọn phạm nhân tham gia lao động thí điểm ngoài trại giam bao gồm: Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 54/2022/QH15 (phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia; Đã bị kết án từ 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm…) và bảo đảm các điều kiện có nơi cư trú rõ ràng; chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có ý thức cải tạo tiến bộ.

Với phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “khá” hoặc “tốt”.

Phạm nhân có mức án từ 15 năm trở xuống phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 -15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, có ít nhất 9 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “khá” hoặc “tốt”; phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm có ít nhất 6 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “khá” hoặc “tốt”; phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống có ít nhất 3 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “khá” hoặc “tốt”.

Đáng chú ý, phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải được xem xét thận trọng, chặt chẽ, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Về chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, Nghị định nêu rõ, phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và được trả công theo quy định của Luật thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Ít nhất một tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, phạm nhân được đưa trở lại trại giam để phục vụ công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.

Trường hợp phạm nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, vi phạm nội quy về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa dịch bệnh, phòng, chống cháy, nổ đến mức phải xử lý kỷ luật thì đưa về trại giam để xử lý theo quy định.

Nghị định 09/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 13-3.