Bài 1: Từ một mô hình từng đem lại hiệu quả cao

Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi... nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác

Trong những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tuy nhiên, do phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi... nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác.

Phạm nhân lao động tại khu liên kết với doanh nghiệp tại Trại giam Hoàng Tiến (ảnh chụp năm 2019)

Phạm nhân lao động tại khu liên kết với doanh nghiệp tại Trại giam Hoàng Tiến (ảnh chụp năm 2019)

Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân chưa thực sự phù hợp với thực tiễn lao động ngoài xã hội. Thực trạng này đã làm hạn chế hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.

Chính vì vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để giúp họ sau khi chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.

Năm 2000, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng chủ trương cho phép các trại giam được thành lập khu sản xuất, sản xuất khép kín, được chính quyền sở tại đồng ý, có cơ sở vật chất khác tại các khu sản xuất, khu lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp thực hiện, từ đó, giảm chi phí nguồn ngân sách nhà nước. Quá trình thực hiện được chính quyền và nhân dân đồng thuận, chính quyền đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với các trại giam trong quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, tổ chức lao động và đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Tiếng nói người trong cuộc

Tính đến tháng 10/2019, có 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam của 24/54 trại giam, số lượng phạm nhân dao động từ 6.000 đến 7.000 phạm nhân, với các ngành lao động chủ yếu là: kỹ thuật điện tử, hàn, cơ khí, sửa chữa động cơ; sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công… Các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nằm trong khuôn viên các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, có tường bao quanh, tách biệt khu dân cư, thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Phạm nhân được bố trí lao động trong phạm vi thuận lợi cho công việc quản lý, giám sát, đồng thời chỉ được đi lại trong khu giam giữ, khu vực lao động, hết giờ phạm nhân được giam giữ trong buồng giam và được canh gác, quản lý chặt chẽ.

Trong những năm qua, công tác giam giữ, quản lý phạm nhân được thực hiện đúng quy định, không xảy ra các vụ việc phức tạp như chống đối tập thể, gây rối làm mất an ninh, an toàn cơ sở giam giữ. Việc thành lập các khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam đảm bảo hai mục tiêu là quản lý giam giữ đảm bảo an ninh, an toàn và giáo dục, cải tạo phạm nhân, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân nên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương. Từ khi thành lập các khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam đến nay, Bộ Công an chưa nhận được phản ánh của chính quyền và nhân dân địa phương về việc hoạt động của các khu lao động ngoài trại giam gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Từng đến khu sản xuất ngoài trại giam của Trại giam Hoàng Tiến (thuộc tỉnh Hải Dương) vào năm 2019, chúng tôi chứng kiến hoạt động hợp tác với doanh nghiệp của Trại để tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam. Khu vực sản xuất của doanh nghiệp nằm phía ngoài, cách cổng trại khoảng 1km, gần QL 38, tường, rào chắn bằng dây thép gai, tách biệt hẳn với khu dân cư. Đây là cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch ngói của Công ty Gốm Mỹ.

Hôm chúng tôi đến, trời nắng nóng nên doanh nghiệp đầu tư thêm hàng chục chiếc quạt công nghiệp để xua tan không khí oi bức. Đang giờ giải lao nên phạm nhân và công nhân được nghỉ ngơi, uống nước chanh đường. Điểm dễ dàng phân biệt giữa công nhân và phạm nhân đó là những chiếc áo kẻ sọc đặc trưng. Ở trong khu sản xuất, cán bộ quản giáo, cán bộ bảo vệ đều đang làm nhiệm vụ của mình. Ngay trong khu sản xuất là nơi ở của các phạm nhân được đưa ra lao động tại Công ty Gốm Mỹ. Để quản lý số phạm nhân lao động tại đây, Trại giam Hoàng Tiến đã yêu cầu Công ty bố trí chỗ ở riêng cho các phạm nhân, ngoài khu ở của phạm nhân có hệ thống khoá, camera quan sát, các cán bộ của trại giam giám sát 24/24h bằng cách trực tiếp và qua 20 camera giám sát của doanh nghiệp.

Đại úy Lương Văn Chử, cán bộ phụ trách phạm nhân lao động ngoài Trại giam Hoàng Tiến cho biết, các cán bộ giám sát, quản lý phạm nhân lao động ngoài trại giam luôn có tinh thần trách nhiệm cao, giám sát chặt, đôn đốc sát sao nên sau 3 năm thí điểm, từ khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, chưa xảy ra bất kỳ một tình huống vi phạm, một nguy cơ mất an ninh, trật tự nào.

Ông Dương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Tiến (Gốm Mỹ) cho biết, Công ty phối hợp với Trại giam Hoàng Tiến đưa phạm nhân ra ngoài lao động được 3 năm, mọi việc phối hợp chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, tạo hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp. Ngoài các cán bộ của trại giám sát trực tiếp và qua camera, Tổ an ninh của doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các cán bộ trại giam để giám sát các phạm nhân này. Khi lao động tại doanh nghiệp, các phạm nhân ngoài việc chịu sự giám sát chặt chẽ, có khu ăn ngủ riêng, thì được doanh nghiệp bố trí các chế độ ăn uống, lương thưởng như của công nhân. Đưa phạm nhân ra ngoài lao động ngoài việc khai thác khả năng lao động, còn giúp phạm nhân trau dồi tay nghề, được tiếp xúc với báo chí, sách vở, với các công nhân khác, từ đó giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn, khi tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn.

(còn tiếp)