Những người sẵn sàng lao vào biển lửa

ANTD.VN - Trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa”, người lính cứu hỏa nào ít nhất cũng 1 lần đối mặt với tử thần. Ngoài sự nhanh nhẹn, khéo léo, quan trọng nhất là họ phải có tinh thần sẵn sàng hy sinh.

3h50, sáng 7-8-2016, khi tôi đang ngủ thì có tiếng chuông điện thoại, số máy hiển thị là số của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách quận Ba Đình, Đống Đa, Hà Nội, anh vội vàng nói: “Phóng viên ra ngay 43 phố Cửa Bắc, toàn bộ lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang khẩn trương tìm kiếm nhiều người mắc kẹt do sập nhà”. 

Tôi nhanh chóng cầm máy ảnh lao đến hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng. Một cảnh tan hoang như vừa xảy ra động đất. Đứng trên đống đổ nát, Đại tá Nguyễn Trường Sơn soi đèn pin từng khe hở để tìm kiếm người dưới những khối bê tông khổng lồ.

“Phát hiện thấy bên dưới có người, chúng tôi phải thao tác các khâu nhanh chóng, chuẩn xác và phải đúng kỹ thuật. Trước khi cắt khối bê tông thành từng miếng nhỏ phải chống đỡ, kê kích cẩn thận nếu không có thể dẫn đến hậu quả khôn lường cho người đang mắc kẹt bên dưới” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhớ lại. 

Trước mắt chúng tôi là hiện trường ngổn ngang sắt thép, bê tông. Và phía dưới là những người bị nạn đang kêu cứu với những vết thương do sắt thép đè vào. Trách nhiệm cứu người đè nặng càng làm cho những người lính bằng mọi cách căng mình đua với thời gian. Họ truyền tay nhau từng khối bê tông ra khỏi hiện trường. Rồi nhẹ nhàng lấy tay bới những nắm vữa xem nạn nhân còn thở không. Sau gần 5 giờ đồng hồ, những người bị mắc kẹt đã được lực lượng cứu nạn đưa ra khỏi đống đổ nát, an toàn.  

Những người sẵn sàng lao vào biển lửa ảnh 1Lính cứu hỏa Phạm Hải Nam cùng đồng đội cứu cháu bé trên nhà cao tầng tại vụ cháy khu Xa La 

Hy sinh một cách rất... bản năng

Chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh người lính cứu hỏa mặt lấm lem ôm cháu bé lao từ trong biển lửa ra ngoài, trong vụ cháy tại khu chung cư cao tầng Xa La, Hà Đông. Đó là hạ sĩ quan trẻ Phạm Hải Nam (SN 1993), làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC số 9 - Hà Đông.

Khi đó, đám cháy bao trùm khắp tòa nhà, hàng chục vòi rồng và hệ thống chữa cháy hiện đại hướng thẳng vào đám cháy để làm mát lối cứu nạn cho Nam cùng đồng đội lao vào cứu những người mắc kẹt bên trong. 

Nam tìm kiếm tại các tầng, hướng dẫn người thoát hiểm theo lối thoát nạn, khi đang chạy đến tầng 18, Nam nghe thấy tiếng khóc thất thanh của trẻ nhỏ liền phá cửa xông vào. Như phản xạ tự nhiên, Nam lấy mặt nạ dưỡng khí mình đang đeo úp vào mặt cháu bé rồi nhanh chóng đưa xuống đất an toàn. Trong trận chiến với “giặc lửa” tại khu đô thị Xa La, Nam đã bị thương phải cấp cứu tại Bệnh viện 103 do hít phải khí độc. 

Người đồng đội của Nam là Trương Duy Tùng (SN 1993), làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC số 7 -  huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng có mặt trong “trận đánh” ấy kể lại: “Nhận được tin báo, tôi cùng đồng đội đã có mặt tại hiện trường, cả đội chia làm 2 mũi chiến đấu. Tôi cùng tiểu đội trưởng đeo mặt nạ phòng độc, bình oxy leo thang bộ đến tầng 20 thì nghe thấy tiếng kêu cứu từ một căn hộ. Khi mở cửa, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang ở trong phòng. Tiểu đội trưởng của tôi đã đưa người này xuống đất và phân công tôi tiếp tục nhiệm vụ leo lên các tầng, tìm người mắc kẹt bên trong”. 

Càng lên các tầng cao, đám khói càng dày đặc, do vậy Tùng phải dùng 2 đèn pin để tìm kiếm người mắc kẹt, vừa hô to vừa tìm kiếm khắp ngõ ngách. Với kinh nghiệm chữa cháy nhiều lần nên Tùng hạn chế dùng bình oxy khi vẫn còn thở ngoài được để dành cho người mắc kẹt.

Khi lên đến tầng 32, 33, 34 của tòa chung cư, Tùng nhanh chóng vào từng phòng để trấn an mọi người. Lúc này khói chưa đậm, Tùng khẩn trương hướng dẫn người bị nạn lấy khăn, áo ẩm, đi thành hàng một, theo cầu thang bộ lên tầng thượng đợi khi đồng đội phát tín hiệu an toàn mới đưa người xuống đất. 

“Đặc công” chống giặc lửa

Chiến đấu với “giặc lửa”, người lính cứu hỏa nào ít nhất cũng 1 lần đối mặt với tử thần. Trong lần đối mặt với “bà hỏa” tại kho gỗ ở phố Đại Từ, phường Định Công (Hoàng Mai) vào tháng 10-2014, Thiếu úy Hà Đức Khẩn, cán bộ đội chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Hoàng Mai đã gặp phen chết hụt. 

Cả một kho xưởng rộng lớn hàng nghìn mét vuông bao trùm biển lửa, khi anh cùng đồng đội phá một điểm gần nhất để tiếp cận hiện trường đám cháy thì bất ngờ bức tường sập đổ, toàn bộ cột khói và lửa phụt mạnh về phía lính cửu hỏa. Theo phản xạ, Thiếu úy Hà Đức Khẩn cùng đồng đội kéo mạnh vòi rồng để phun nước khống chế đám cháy. Do nhiệt độ bị nung nóng lâu, nước vào đột ngột đã tạo bóng khí cuốn ngược theo vòi nước. Rất may do phán đoán được nguy hiểm, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã kịp thời xử lý và không ai bị thương. 

Trong lần thực tập cứu người mắc kẹt trên tòa nhà cao tầng tại quận Thanh Xuân, chúng tôi đã chứng kiến Thiếu úy Hà Đức Khẩn băng qua khói lửa đưa nhiều người từ trên cao xuống đất bằng thang dây an toàn. Mặc dù đó chỉ là tình huống giả định, song để có những phương pháp xử lý an toàn chuẩn xác đến từng chi tiết không phải bỗng chốc thực hiện được, mà phải dày công luyện tập, rèn luyện qua từng nhiệm vụ thực tiễn. 

Đối với người lính cứu hỏa, ngoài sự hăng say luyện tập học hỏi, để trở thành người lính cứu nạn chuyên nghiệp giỏi còn phải có tố chất về thể lực, chiều cao và năng khiếu sử dụng phương tiện trên cao sáng tạo và thành thục. Cũng bởi quy tụ được những yếu tố cần thiết nên Thiếu úy Hà Đức Khẩn đã vượt qua nhiều khâu xét tuyển để được lựa chọn đi thi cứu nạn trên trường quốc tế tổ chức tại Singapore trung tuần tháng 11-2016. 

Với những nỗ lực, quyết tâm, sau chặng đường 7 ngày, đội cứu nạn Việt Nam đã xuất sắc giành 4 huy chương các loại, trong đó có Huy chương vàng cho nội dung cứu nạn người từ thang dây, xử lý cứu nạn người mắc kẹt trong ô tô bị tai nạn và leo dây đơn cứu người do Tiểu đội trưởng Thiếu úy Hà Đức Khẩn thực hiện. 

“Mỗi lần bước vào nội dung thi, trong đầu tôi luôn suy nghĩ phía trước là biển lửa, có nhiều người mắc kẹt cần phải thực hiện nhanh và chính xác nhất các bước cứu hộ, cứu nạn. Cứ như thế, mỗi lần nhập cuộc chữa cháy trong tôi lại như tăng thêm sức mạnh” - Thiếu úy Hà Đức Khẩn chia sẻ.