Những "người rừng" bơ vơ nơi quanh năm mây mù bao phủ

ANTĐ - Trên đỉnh dãy núi Giăng Màn (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) quanh năm mây mù bao phủ có mấy hộ dân người dân tộc Mày sống biệt lập với thế giới bên ngoài, gọi là xóm Tà Dong.

Ngoài bộ đội biên phòng, rất ít người biết có sự tồn tại của bản nhỏ nơi thâm sơn cùng cốc này.

Lên công tác miền Tây Quảng Bình, chúng tôi đã nhiều lần được các chiến sĩ biên phòng ở Đồn Ra Mai kể câu chuyện về cái xóm “người rừng” sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Lỡ hẹn mãi, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã khởi hành chuyến đi vào một ngày cuối tháng 11.

Những đứa con của chị Phăng e thẹn khi được chụp ảnh.

Những đứa con của chị Phăng e thẹn khi được chụp ảnh.

Vượt lũ tìm “người rừng”

Hôm chúng tôi đến trạm biên phòng đóng ở bản Dộ, gặp lúc trận mưa lớn cuối mùa như trút nước. Các chiến sĩ biên phòng ở đây cho biết, vào thời điểm này ở đây ít gặp trận mưa nào lớn như thế. Mưa lớn, nước nguồn đổ về làm con đường rừng dẫn vào Tà Dong bị chắn ngang bởi các dòng suối cuồn cuộn lũ. Thế nhưng trung úy Hà Anh Đức - Đội trưởng Đội vận động quần chúng và thiếu tá Đinh Xuân Long vẫn quyết định dẫn chúng tôi vượt lũ lên đường. Bởi lẽ, theo họ chỉ có vào bản Tà Dong vào lúc mưa to như thế này mới hy vọng gặp người dân ở nhà.

Từ trạm biên phòng, chúng phải vượt con suối Kà Rong đang dữ dằn tuôn chảy. Dòng nước đỏ ngầu, chảy băng băng cuốn phăng mọi vật cản trên đường. Chúng tôi phải gói quần áo vào trong áo mưa rồi cẩn thận bám gót các anh bộ đội men theo gành đá để qua suối. Qua được mấy con suối, quần áo ai cũng ướt sũng. Hết lội suối lại đến leo núi.

Con đường mòn xuyên qua rừng với những con dốc lớn. Khi đi xuống, do độ dốc quá lớn nên vừa đi tôi vừa phải ghì người lại. Ngược lại, lúc đi lên thì toàn leo dốc đứng, leo đến lúc không thể nhấc chân lên được, hơi thở thoát ra lỗ tai đánh thình thịch như tiếng trống. Nhiều đoạn đá lởm chởm, nhiều đoạn đất lại trơn trượt bên vực thẳm, chúng tôi phải bám vào rễ cây mà bò...

Vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác, chả biết là qua bao nhiêu dốc nữa, cuối chúng tôi mới tiến tới một bãi bằng ven suối. Mây mù vần vũ trên đỉnh núi, bầu trời âm u, nặng trĩu. Từ phía chân núi xanh thẳm, thấp thoáng có mấy cái lều ủ dột dưới mưa. Trên mái lá nhà sàn, sương khói bốc lên nghi ngút. Gạt những giọt nước còn đọng trên mặt, thiếu tá Long thở phào nhẹ nhõm: Bản Tà Dong kia rồi.

Không như những bản làng người dân tộc khác mà chúng tôi đã từng đến, bản Tà Dong xuất hiện chỉ với 5 nóc nhà lợp lá cọ cũ nát, có cái xiêu vẹo như sắp đổ. Thấy đoàn người tiến đến gần bản, mấy đứa trẻ ở trần, da đen như đồng hun đang tắm mưa chạy tán loạn. Chúng núp vào chân cột nhà, giương những đôi mắt sợ hãi nhìn những người khách lạ.

Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên định chụp, chúng khóc ré lên rồi chạy cả vào rừng. Nghe tiếng trẻ khóc, một người phụ nữ miệng ngậm tẩu thuốc, tóc tai rối bù ngó ra cửa. Biết là cán bộ biên phòng - người quen nên chị mở cái liếp cửa đón khách...

Cuộc sống biệt lập

Người phụ nữ đón đoàn chúng tôi có tên là Phăng. Ngôi nhà của chị được làm bằng cây rừng ghép nối lại. Trong nhà treo lủng lẳng cung, tên, nỏ và nhiều vật dụng được đan bằng cây rừng. Trên vách nhà còn có rất nhiều các bộ da thú, trong đó có một bộ da báo rất to...

Trời mưa to, nhưng chỉ có chị Phăng và những đứa trẻ ở nhà, còn những người đàn ông của bản đều vào rừng săn bắn, kiếm cái ăn cả. Chúng tôi hỏi chị Phăng năm nay bao nhiêu tuổi, chị nói không biết. Hỏi có mấy người con, chị trả lời có 8 đứa nhưng tính luôn cả... 2 vợ chồng. Hỏi làm gì để sống, chị nói trồng cái lúa, cái sắn trên rẫy nhưng mỗi năm cũng chỉ đủ ăn được vài ba tháng. Những tháng còn lại thì vào rừng săn bắt, hái lượm... kiếm được thứ gì ăn thứ ấy.

Chúng tôi hỏi già Sun về chứng minh thư và hộ khẩu - những giấy tờ cần thiết cho một con người, già lắc đầu: “Mấy cái đó chẳng nghe thấy bao giờ. Tổ tiên chỉ truyền lại cách săn thú, nhặt quả rừng, chứ đã bao giờ nói đến những thứ đó...”.

Nhà chị Phăng có 6 người con. Đứa con trai cả đã lấy vợ ra ở riêng ở cái nhà cạnh đó. Sang nhà, chỉ có mình Khâm - con dâu chị Phăng ở nhà. Cậu con trai Hồ Đun cũng đã vác nỏ theo bố vào rừng săn thú. Thấy có đông người vào nhà, Khâm tỏ ra sợ sệt.

Khâm với Đun lấy nhau được 4 năm. Khâm đã 3 lần đẻ con nhưng chúng đều chết cả. Theo lời của các chiến sĩ biên phòng, Khâm sinh được 2 con trai và 1 con gái. Đứa nào cũng vừa lọt lòng rồi chết yểu. Khâm cũng như những phụ nữ khác ở Tà Dong, khi sinh con đều tại nhà, chẳng ai ra trạm y tế xã cả...

Trong căn nhà lá đơn sơ của ông Hồ Sun (người già nhất xóm) ở cuối bản, mọi đồ dùng sinh hoạt đều tự tay ông làm lấy. Một bếp lửa dường như không bao giờ tắt đặt ngay giữa nhà. Theo già Sun, lửa gắn bó với người Mày từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Trẻ em ở đây lớn lên cũng sống cuộc sống như bố mẹ chúng vậy.

Khi đôi chân biết leo núi, cái tay biết căng dây cũng là lúc chúng được bố dạy cho cách tìm dấu vết của các con thú, biết cách bắt chúng. Trong những chuyến đi rừng, chúng học cách phân biệt cây nào ăn được, cây nào có độc nên tránh. Mọi chuyện cứ diễn ra một cách bình thường, những đứa trẻ đã học được cách sinh tồn giữa nơi hoang dã.