Lễ viếng Đại tướng đóng cửa lúc 24h00 tại Nhà tang lễ Quốc gia, 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, nhưng chắc chắn nhiều người Hà Nội sẽ có một đêm không ngủ...
Trước đó ít phút 2 vợ chồng ở TP.HCM đáp chuyến bay 12h trưa 12/10, và đến Nhà tang lễ lúc 16h. Xếp hàng đến 23h30, cặp vợ chồng này mới tới lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng buổi lễ đã khép lại. Sau khi xin đặc cách, và được chấp thuận, cặp vợ chồng này trở thành những người cuối cùng vào viếng Đại tướng ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
23h20: Tại Hà Nội, trời se se lạnh, dòng người chờ viếng vẫn dài bất tận trước cửa nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông...
23h05: Tại TP HCM, người dân vẫn xếp hàng dài để vào viếng và chờ tới lượt ghi sổ tang.
23h00: Tại Hà Nội, BTC thông báo, lễ viếng sẽ đóng cửa lúc 24h00 đêm, trong khi dòng người vẫn đổ về viếng Đại tướng...
Tính đến 18h00 chiều 12/10, đã có khoảng 662 đoàn với khoảng 70.000 người đến viếng và dâng hương tại Hội trường Dinh Thống Nhất.
Ban Tổ chức lễ viếng tại tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 18h00 chiều 12-10, đã có 492 đoàn vào viếng, trung bình mỗi đoàn có khoảng 50 người. Đoàn đông nhất là Công an Quảng Bình với hơn 600 người.

17h15: tại TP HCM, có hơn 550 đoàn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại hội trường Thống Nhất, TP HCM.
Hội trường Thống Nhất sẽ tiếp tục mở cửa đón nhân dân đến viếng Đại tướng đến 21 giờ đêm nay. Ban tổ chức cho biết: Sau 21 giờ, nếu người dân thành phố vẫn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội Trường Thống Nhất sẽ tiếp tục mở cửa phục vụ nhân dân.
Sau khi viếng, nhiều người lặng lẽ xếp hàng chờ đợi để được ghi vào sổ tang những dòng cảm tưởng, gửi tới Đại tướng những tình cảm yêu mến, nể phục và hơn hết, đó là niềm tiếc thương vô hạn khi trái tim lớn đã ngừng đập.
Ngày mai, đúng 7h, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được cử hành trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh.
17h, tại Hà Nội, đến cuối giờ chiều ngày 12-10, dòng người đổ dồn về Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông ngày một nhiều, nuối đuôi nhau qua nhiều dãy. Bên trong Nhà tang lễ, các đoàn đại biểu và người dân xếp hàng chật kín sân, chờ đến lượt được vào viếng Đại tướng.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội hướng dẫn cách xếp hàng,
đón tiếp đồng bào cho các thanh niên tình nguyện
Hàng vạn người có mặt tại nhà tang lễ đều có chung một tâm trạng vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Như tin đã đưa, trong chiều ngày 12-10, Ban tổ chức tang lễ thông báo do lượng người đến viếng quá đông, Nhà tang lễ Quốc gia sẽ đón người vào viếng xuyên đêm, đến 6h sáng ngày 13-10.
Chùm ảnh P.V Báo ANTĐ ghi nhận tại Nhà tang lễ Quốc gia:

Hàng vạn người rơi lệ trước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Các đoàn đại biểu lần lượt dâng vòng hoa, vào viếng Đại tướng

Đoàn Hội đồng lý luận Trung ương vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Đoàn Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu dẫn đầu.

Ông Marcel Winter, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc - Việt,
đoàn Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam

Những vòng hoa viếng Đại tướng ngày càng xếp đầy

"Biển" người đang chờ viếng Đại tướng bên trong khuôn viên nhà tang lễ

Bên ngoài đường, những dòng người xếp hàng vẫn nối dài như bất tận.

Tại Quảng Bình, Con đường từ trung tâm huyện về làng An Xá nối tiếp nhau những đoàn người từ khắp nơi trong cả nước đổ về.

Người dân khắp nơi về viếng Đại tướng
14h, tại Hà Nội, khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, dòng người chờ được vào viếng Đại tướng ngày một nối dài. Trong dòng người đi viếng Đại tướng, thỉnh thoảng lại có tiếng nấc nghẹn...
Tại Đắk Nông, Tại nhà Truyền thống Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông, Ban tổ chức đọc điếu văn, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã cống hiến đặc biệt xuất sắc, góp phần to lớn và quan trọng, tạo ra bước chuyển lịch sử, góp phần kiến tạo và viết nên những trang sử vẻ vang trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều cơ quan, đơn vị ở các huyện, thị xã và những vùng căn cứ cách mạng xa xôi đều lập bàn thờ để cán bộ, nhân dân viếng Đại tướng. (Minh Quỳnh - CTV Báo ANTĐ)

Lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Đắk Nông, lực lượng vũ trang và các
sở ban ngành cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Ảnh: Minh Quỳnh)
Đoàn đại biểu lực lượng vũ trang vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Minh Quỳnh)
12h, tại Tp.HCM, trời chuyển sang nắng gắt và bắt đầu oi bức. Đông đảo người dân vẫn tiếp tục hướng về Hội trường Thống Nhất.

Đông đảo nhân dân chờ viếng Đại tướng trước cửa Hội trường
Tại Sóc Trăng, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tiến hành tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng. Tham dự lễ viếng có các đoàn của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành, cơ quan…trên địa bàn tỉnh. Tại lễ viếng, các đại biểu đã thể hiện sự tiếc thương vô hạn đối với sự ra đị của Đại tướng, sau những nén nhang là phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Đại tướng. Nhiều khách đến viếng đã không cầm được nước mắt.
Ông Nguyễn Đại Lượng, một cựu quân nhân, hiện là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo điều kiện cho mọi người có dịp bày tỏ lòng tiếc thương của mình đối với Đại tướng; một vị tướng đã gắn liền với lịch sử của Việt Nam suốt cả một thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21. Đây thực sự là một người đại tướng của nhân dân, từ người già đến trẻ thơ luôn ghi nhận tấm lòng của đại tướng đối với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là phải nói đến tâm-đức của Đại Tướng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; làm như thế nào để giải phóng đất nước mà ít đổ máu nhất, ít xương máu nhất”. Anh Võ Chí Công, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng quyết tâm: "Tuổi trẻ Sóc Trăng ra sức phấn đấu rèn sức, luyện tài để tiếp nối sự nghiệp cách mạng mà Đại tướng đã để lại. Phấn đấu chung tay nhau đưa đất nước ngày càng tiến lên và phát triển". (Tuấn Thành - CTV Báo ANTĐ tại Sóc Trăng) |

10h20, tại TP Hồ Chí Minh, một nữ cán bộ Đoàn đã ngất xỉu ngay trong Hội trường Thống Nhất vì đã xếp hàng chờ viếng Đại tướng đến 3 tiếng.


Người dân xếp hàng chờ được vào viếng Đại tướng
10h45, tại khu vực nha Tang lễ Quốc gia, vòng bảo vệ phía ngoài lại được nới ra, hàng ngàn người lại vội vã di chuyển để tiến gần hơn với Đại tướng.

Các con của Đại tướng bên thi hài sau lễ di quan: Ảnh: QĐND
10h30, Tại cơ quan Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp (Hà Nội) đang diễn ra Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lễ viếng Đại tướng tại Bộ Tư lệnh Thủ đô

Đoàn đại biểu Cựu chiến binh viếng Đại tướng
Sau Đoàn đại biểu của Thành ủy HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP.HCM là đoàn đại biểu của các cơ quan Trung ương, các ngành, đoàn thể thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn ngoại giao và quốc tế tại thành phố đã lần lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những hình ảnh được ghi tại Tp.HCM (Tuấn Kiệt - CTV Báo ANTĐ)
Trong niềm xúc động, tiếc thương vô hạn, ngay từ sáng sớm hàng nghìn người dân thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Do khu vực trước cửa nhà tang lễ Quốc gia bị cấm đường, người dân tập trung tại các con phố lân cận nhà tang lễ như Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự... Cùng hướng về màn hình đang truyền hình trực tiếp lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi tiếng nhạc “Hồn sĩ tử” vang lên, tất cả đều im lặng, nghiêm trang, nhiều người đã bật khóc nức nở.
Một số hình ảnh phóng viên Báo ANTĐ ghi nhận khu vực bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia:


Hàng nghìn người dân hướng về các màn hình bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia,
số 5 Trần Thánh Tông

Nhiều người tập trung trên hè các tuyến phố Lê Thánh Tông và Trần Hưng Đạo
để theo dõi qua màn hình nhìn từ xa

Giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt

Nhiều người nhìn qua màn hình và vái vọng Đại tướng

Có những người dân vừa theo dõi qua màn hình vừa nghe đài tường thuật lễ viếng

Mắt ngước lên màn hình và tay ôm chặt hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại Hà Nội, Đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam vào kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam vào kính viếng Đại tướng


TP Hồ Chí Minh, tại Hội trường Thống nhất, 8 giờ 30 phút

Tại Hà Nội, đoàn tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam vào viếng Đại tướng.8h52, tại Quảng Bình đang có mưa nặng hạt. Hàng nghìn người dân, các đoàn lễ viếng của các cơ quan ban ngành tỉnh này vẫn đang đội mưa, chờ đến lượt vào viếng Đại tướng.

Tại Quy Nhơn: Lúc 7h30, tại Hội trường Ban chỉ huy quân sự TP. Quy Nhơn, Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã tổ chức Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tham dự Lễ viếng có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ VN thành phố; lãnh đạo và cán bộ các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể thành phố và phường, xã; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thành phố, cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại buổi lễ, Ban chỉ huy quân sự TP. Quy Nhơn đã công bố thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang; thông báo danh sách Ban Lễ tang Nhà nước; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng và tóm tắt tiểu sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (CTV Báo An ninh Thủ đô - Công Hoài).
8h40, tại TP Hồ Chí Minh: Từng dòng người đang xếp hàng để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong dòng người đến viếng có rất đông cựu chiến binh là những người từng chiến đấu ở Điện Biên, Trường Sơn năm xưa.

Người dân TP HCM vào Hội trường Thống Nhất viếng Đại tướng
Tại Quảng Bình, từng dòng người xếp hàng chờ được vào viếng Đại tướng, ngôi nhà lưu niệm đầy ắp tình cảm, sự kính trọng của toàn thể người dân đối với vị Tướng tài.
Bên ngoài nhà lưu niệm, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền đất nước cũng tập trung về đây thắp nén nhang tiễn biệt Người. Rất đông đoàn viên mang di ảnh của Đại tướng đứng trang nghiêm. Bên trong nhà lưu niệm, lực lượng công an, quân đội với trang phục chỉnh tề, đứng trang nghiêm bên bàn thờ Đại tướng.
Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bố trí trang nghiêm với lá Quốc kỳ và dải băng tang, phía dưới là dòng chữ trắng trên nền đen có nội dung: “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 7”. Hai bên bàn thờ là 8 vòng hoa mang dải băng đen, bên phải bàn thờ là đoàn quân nhạc phục vụ lễ viếng, bên trái là đại diện gia đình, bà con thân quyến của Đại tướng.
8h30: Gia quyến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu rời khỏi số nhà 30, Hoàng Diệu, Hà Nội để trở về quê hương Quảng Bình để chuẩn bị hoàn thành những thủ tục cuối cùng cho lễ an táng của Đại tướng.
8h20: Tại TPHCM, các đoàn đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gia đình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng chuẩn bị vòng hoa đến viếng Đại tướng.
Đoàn đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu vào viếng Đại tướng. Vòng hoa Đoàn Quốc hội đặt ở vị trí chính giữa, trước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thay mặt đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiến lên lư hương để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.
7h55, tại Hà Nội: Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu vào viếng. Vòng hoa của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đặt trang trọng trước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Vũ Trọng Kim thay mặt đoàn thắp hương tưởng nhớ Đại tướng. Đoàn đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng.

7h40, tại Hà Nội: Sau phút mặc niệm của đoàn đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên trong đoàn đại biểu đi quanh linh cữu Đại tướng. Cùng đi có các Phó Chủ tịch Quốc hội. Các thành viên trong đoàn đến chia buồn với gia quyến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thay mặt đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi vào sổ tang.
![]() |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu BCH Trung ương Đảng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Đoàn cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào hồi 18 giờ 8 phút ngày 4-10, tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), thọ 103 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chỉ huy quân sự tài ba trong lịch sử Việt Nam. Ông là chỉ huy chính trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và Kháng chiến chống Mỹ (1960 - 1975).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy các chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Điện Biên phủ trên không năm (1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông từng là giáo viên lịch sử, nhà báo và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là một vị tướng kiệt xuất, một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo, một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn, đồng thời là một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay khi còn tại thế. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”. Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”.

Vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một Mệnh lệnh nổi tiếng: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!".
Từ khi biết thông tin Đại tướng qua đời, hình ảnh và thông tin liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng xuất hiện tràn ngập trên các trang mạng xã hội.
Lễ Quốc tang kéo dài hai ngày tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức bắt đầu từ 12h trưa qua 11/10, đánh dấu bằng nghi lễ kéo cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Tất cả các công sở và nhiều nhà dân trên cả nước cũng thực hiện nghi lễ treo cờ rủ tương tự trong suốt 48 tiếng. Trong thời gian cả nước để tang Đại tướng, mọi hoạt động vui chơi giải trí sẽ tạm ngừng.