Những hệ lụy từ việc không chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với sự thiếu đồng bộ, xuống cấp của cơ sở hạ tầng kho xưởng, cùng với sự thiếu ý thức chấp hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã dẫn tới liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian vừa qua...

Liên tiếp xảy cháy, lỗi do đâu?

Không chấp hành quy định an toàn PCCC là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ hỏa hoạn. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào lúc 15h15 ngày 22-8, chỉ trong thời gian ngắn lửa đã thiêu rụi gần 600m2 kho xưởng của Công ty TNHH thương mại Anh Phong Pháp (thuê mặt bằng tại Công ty CP hóa phẩm dầu khí DMC miền Bắc) ở ngõ 145, đường Đình Xuyên, thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Đáng nói, khu nhà xưởng này đã bị lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CAH Gia Lâm xử phạt và đình chỉ hoạt động do vi phạm về PCCC. Với sự chủ quan, chỉ nhìn lợi ích trước mắt nên cơ sở thuê mặt bằng đã lén lút hoạt động rồi để xảy ra cháy lớn. Vụ việc này đã khiến lực lượng của CAH Gia Lâm, CAQ Long Biên và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội phải trắng đêm xử lý.

Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tiếp cận dập đám cháy tại kho xưởng cồn tại xã An Khánh, Hoài Đức

Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tiếp cận dập đám cháy tại kho xưởng cồn tại xã An Khánh, Hoài Đức

Trước đó, ngày 3-9-2021, một đám cháy lớn xảy ra tại kho xưởng chứa cồn ở thôn Thanh Quang, xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Trước khi xảy ra vụ cháy này, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH - CAH Hoài Đức đã lập biên bản xử lý vi phạm, đồng thời tham mưu UBND huyện ban hành quyết định đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, chủ cơ sở thiếu ý thức chấp hành và vẫn lén lút hoạt động, để xảy ra cháy lan, cháy lớn…

Hiểm họa của hỏa hoạn đã quá rõ, vậy tại sao vẫn không cảnh báo được người dân, chủ cơ sở sản xuất, kho xưởng nhìn vào đó mà khắc phục tồn tại?

Trở lại vụ cháy xảy ra tại kho xưởng ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm để thấy được mấu chốt cơ bản của vấn đề mà bấy lâu nay cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp, chủ cơ sở cứ loay hoay trong công tác PCCC. Đó là Công ty CP hóa phẩm dầu khí DMC miền Bắc nằm trong danh mục cơ sở hoạt động trước Luật PCCC năm 2001, thuộc đối tượng điều chỉnh theo Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Đây là công trình xây dựng gần 20 năm, đã xuống cấp về mọi mặt, nhưng chủ cơ sở giữ nguyên hiện trạng hoạt động theo thẩm duyệt cũ. Thế nhưng, đơn vị chủ quản đã cho Công ty TNHH thương mại Anh Phong Pháp thuê mặt bằng để sản xuất, làm kho gỗ ép, xốp… toàn chất liệu dễ cháy lan, cháy lớn. Cho thuê mặt bằng sử dụng vào mục đích khác là thay đổi mục đích, công năng, mà theo quy định hiện hành việc thay đổi này phải có đủ điều kiện về PCCC và được thẩm duyệt, nghiệm thu lại.

Xuất phát từ lợi ích cá nhân giữa người cho thuê và người thuê nên việc khắc phục tồn tại về PCCC đã bị bỏ qua, không bên nào thực hiện. Sở dĩ người thuê không bỏ tiền ra làm các hạng mục PCCC theo quy định vì quá tốn kém, mà cơ sở hạ tầng lại không phải của mình, còn chủ nhân thì không có nhu cầu nên công tác này càng bị coi nhẹ.

CAQ Hoàng Mai khống chế hỏa hoạn tại một khu nhà xưởng ở số 19 ngõ 200 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai ngày 16-3-2022

CAQ Hoàng Mai khống chế hỏa hoạn tại một khu nhà xưởng ở số 19 ngõ 200 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai ngày 16-3-2022

Cần mạnh tay khắc phục tồn tại

Hà Nội vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy về nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 19 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy này đã làm 38 người chết, 82 người bị thương, thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện là 696 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa có 92 vụ; do sự cố máy móc có 21 vụ... Ngoài ra, còn có 38 vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã, rò khí gas, hàn cắt kim loại.

Tính đến tháng 6-2022, trên địa bàn thành phố còn 130.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 8.546 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. UBND các quận, huyện đã chủ động nắm tình hình các cơ sở này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Qua rà soát, thành phố cũng ghi nhận 2.921 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC được đưa vào hoạt động với tổng số 9.466 lỗi. Các đơn vị chức năng đã xử phạt 399 cơ sở vi phạm với số tiền 1,2 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 541 cơ sở. Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã yêu cầu tất cả các chủ đầu tư cam kết khắc phục vi phạm.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai về công tác PCCC do Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì, triệu tập tất cả chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các quận, huyện và đơn vị liên quan, người đứng đầu CATP đã yêu cầu chỉ huy các đơn vị, quận, huyện, thị xã báo cáo về thực trạng và đưa ra giải pháp hiệu quả trong công tác phòng ngừa cháy, nổ. Tại hội nghị, nhiều tham luận cũng đã chỉ ra những tồn tại...

Báo cáo với Giám đốc CATP, Trung tá Nguyễn Hùng Nam - Phó trưởng CAQ Hoàng Mai nêu: “CAQ đã lập hồ sơ, danh sách công trình tồn tại vi phạm về PCCC để chủ động công tác phòng ngừa. Một trong những biện pháp mạnh hiện nay là xử phạt và đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm”. Trên thực tế, qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã nhận thấy việc đình chỉ hoạt động chỉ là chữa phần ngọn và chưa đủ sức mạnh răn đe. Theo quy định, nhà xưởng, công trình phải được thẩm duyệt nghiệm thu và đó là những công trình nằm trong diện có giấy tờ sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình, kho xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao thì lại rất khó có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Cũng liên quan đến công tác xử lý công trình vi phạm hiện nay, mạnh nhất vẫn là phạt tiền và đình chỉ hoạt động, nhưng thực tế việc đình chỉ hoạt động không phải công trình nào cũng hiệu quả. Điển hình, nhiều nhà xưởng vi phạm nhưng có hàng chục, thậm chí hàng trăm công nhân, người lao động làm việc. Việc đình chỉ liên quan đến an sinh xã hội của số công nhân làm việc tại đây sẽ giải quyết ra sao? Đó là vấn đề khó giải quyết và dẫn đến việc các cơ sở vẫn cố tình hoạt động lén lút trong khi bị đình chỉ. Hay một số công trình như chợ tạm, chợ đã xây dựng lâu vẫn áp dụng theo quy định cũ. Việc đình chỉ chỉ mang tính hành chính, còn thực tế các hộ kinh doanh, tiểu thương, người dân vẫn hoạt động. Những tồn tại này, nếu chiếu theo quy định về PCCC mới sẽ không đủ điền kiện. Đó là nguyên nhân không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý về an toàn PCCC mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và khi xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề.