Những điểm nổi bật nhất về "vụ kiện ở Biển Đông" tại PCA

ANTĐ - Ngày 12-7-2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết Trung Quốc không có "chủ quyền lịch sử" ở Biển Đông. Philippines khẳng định hoàn toàn tôn trọng quyết định mang tính lịch sử này, mặc dù phía Trung Quốc bác bỏ. Vậy những điểm nổi bật nhất trong tiến trình vụ kiện này là gì?

 

BỐI CẢNH QUỐC TẾ

PCA là một tổ chức liên chính phủ có chức năng là một tòa án trọng tài chuyên giải quyết tranh chấp giữa 121 quốc gia thành viên. Vụ Philippines kiện Trung Quốc đưa ra những tuyên bố ngang ngược về chủ quyền ở Biển Đông khởi động từ năm 2013, trải qua một thời gian khá dài và cần được xem xét kỹ lưỡng hơn bởi vấn đề này không chỉ là tranh chấp giữa Philippines-Trung Quốc mà còn liên quan đến các quốc gia trong khu vực ở Đông và Đông Nam Á, cũng như Hoa Kỳ.

Tòa nhà trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực trong ngày ra phán quyết vụ kiện Biển Đông

Khu vực Biển Đông rộng 3,5 triệu km2 có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và an ninh khu vực. Vùng nước này bao gồm hơn 250 hòn đảo, đảo san hô, cồn, bãi cát ngầm, đá ngầm và bãi cát, chủ yếu là không có người ở và một phần hoặc hoàn toàn dưới nước.

Theo thống kê, mỗi năm tuyến hàng hải này vận chuyển một lượng hàng hóa trị giá khoảng 6,6 nghìn tỷ USD, kết nối các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á với Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Biển Đông cũng được cho là nơi chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.

Biển Đông là khu vực mà nhiều quốc gia,vùng lãnh thổ cùng tuyên bố chủ quyền, như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan. Nhưng vấn đề Biển Đông ngày càng căng thẳng do thời gian gần đây Trung Quốc đã ráo riết cải tạo đảo nhân tạo ở vùng biển này.

Trong vòng 20 tháng, Bắc Kinh đã mở rộng diện tích đảo chiếm đóng gấp 17 lần so với toàn bộ diện tích đảo của các nước còn lại trong vòng 40 năm qua, 95% số đảo nhân tạo mới này nằm ở quần đảo Trường Sa.

Cộng đồng quốc tế quan ngại rằng, nếu không làm rõ mọi việc trước tòa án quốc tế, Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát tài nguyên và tuyến đường biển quốc tế quan trọng này với một loạt chuỗi đảo xây dựng trái phép trên Biển Đông. Hầu hết các đảo này có bãi đáp máy bay, bến cảng và các công trình có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc và mở rộng phạm vi hoạt động.

NỘI DUNG VỤ KIỆN LÀ GÌ?

Vụ kiện đi vào chi tiết về quyền hàng hải liên quan đến các đá, rạn san hô còn tranh chấp, nhưng về bản chất Philippines chủ yếu kiện Trung Quốc về “đường 9 đoạn” vô lý của nước này.

“Đường 9 đoạn” được cho là sự rút ngắn từ bản đồ đường 11 đoạn dưới thời Quốc dân đảng ở Trung Quốc năm 1947. Nó có dạng lưỡi bò, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, rộng hơn 2 triệu km2, nhô ra từ đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc và “liếm” một khoảng cách dài 1.611km tới Indonesia. Như vậy, đường lưỡi bò này chồng lấn lên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa mở rộng của Philippines.

Philippines cho rằng, “đường 9 đoạn” không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo lập luận của Philippines, chủ quyền lãnh thổ phải xuất phát từ đất, chứ không phải từ lịch sử hay bản đồ cổ đại. Tại Biển Đông, không có vùng đất hoặc cụm đảo, đá nào đủ lớn để thiết lập quyền kinh tế hay hàng hải trên một vùng rộng tới 2 triệu km2 như “đường 9 đoạn” vẽ ra.

"Đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ không có tọa độ rõ ràng

Mấu chốt của vấn đề ở đây còn là khái niệm đảo. Theo Philippines, hầu hết 250 đá, đảo san hô, cồn, bãi cát ngầm và bãi cát ở Biển Đông đều không thể coi là đảo. Trung Quốc cố tình biến các đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo khổng lồ và đưa người đến định cư, vì theo UNCLOS, nếu được chấp nhận là đảo thì được hưởng quyền lợi với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Philippines khẳng định, UNCLOS không trao quyền cho các đảo nhân tạo.

TẠI SAO TRUNG QUỐC KHÔNG THAM GIA TỐ TỤNG?

Trung Quốc không làm rõ tọa độ địa lý chính xác của “đường chín đoạn”, thay vào đó là sử dụng các sự kiện lịch sử và bản đồ để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Không chỉ vậy, Trung Quốc phản đối quyền phân xử của PCA vì theo lập luận của Bắc Kinh, vấn đề chủ quyền thuộc phạm vi quản lý của Tòa án Công lý Quốc tế, không phải là Tòa án Trọng tài Thường trực được triệu tập dưới sự bảo trợ của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên, PCA đã bác bỏ lập luận này.

Philippines kêu gọi "kiềm chế và tỉnh táo" sau phán quyết của PCA (Ảnh: Người dân Philippines thả hoa ủng hộ phán quyết của PCA tại vịnh Manila ngày 12-7)

PHÉP THỬ VỚI TRUNG QUỐC VÀ MỸ

Vụ kiện cũng được cho là phép thử đối với cả Mỹ và Trung Quốc, làm sao hai cường quốc có thể cùng tồn tại và duy trì hòa bình ở góc phát triển nhanh nhất trên thế giới? Đối với Mỹ, đó sẽ là một bài kiểm tra về độ tin cậy với tư cách là một đồng minh, và liệu các nước châu Á có thể tiếp tục dựa vào Mỹ để duy trì sự ổn định khu vực hay không. Còn đối với Trung Quốc, phán quyết sẽ là phép thử về sự ràng buộc trách nhiệm của một cường quốc đang lên với quyết định của tòa án quốc tế.

Vấn đề Biển Đông đã trở thành tâm điểm trong các hội nghị quốc tế thời gian gần đây, nhưng ở khu vực ASEAN, vẫn còn những cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này. Các nhà phân tích hy vọng rằng sau phán quyết ngày 12-7 của PCA, ASEAN sẽ cố gắng tìm được tiếng nói chung với Trung Quốc để đem lại hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Những điểm nổi bật nhất về "vụ kiện ở Biển Đông" tại PCA ảnh 4

Quang cảnh một phiên xét xử của Tòa Trọng tài Thường trực

Tòa Trọng tài Thường trực là gì?

Có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), Tòa Trọng tài Thường trực là cơ quan liên chính phủ đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và “các phương tiện ôn hòa khác”.

Tòa án được thành lập năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình Hague lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas II của Nga triệu tập. Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được tòa nghiên cứu.

PCA có phải là một tòa án thực sự?

Đây không phải là một tòa án theo đúng nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Nó thông qua các phiên trọng tài để giải quyết những bất đồng cụ thể. Các phiên tòa thường họp kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ khi có sự đồng ý của hai bên.

PCA hoạt động như thế nào?

Một vụ kiện được đưa ra trước Tòa Trọng tài Thường trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước thất bại. Một phiên trọng tài sẽ được chỉ định để phụ trách hồ sơ này, bao gồm một, ba hay năm thành viên. Trong vụ kiện Biển Đông, Tòa trọng tài có 5 thành viên do thẩm phán người Ghana Thomas A. Mensah làm chủ tọa.

Các phán quyết của tòa có mang tính ràng buộc?

Đúng vậy. Tất cả các quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Nhưng theo các chuyên gia, việc thực thi phán quyết thường là “gót chân Achilles” của các định chế tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, các Nhà nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.