Phép thử đoàn kết ASEAN hậu phán quyết PCA

ANTĐ - Phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bên cạnh việc hậu thuẫn cho ASEAN trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước sự bành trướng của Trung Quốc, cũng tạo ra phép thử với sự đoàn kết chung của cả hiệp hội.

Đoàn kết là giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh của ASEAN

Không nằm ngoài dự đoán của dư luận, trong phán quyết được trông đợi đưa ra vào khoảng 11h giờ địa phương (tức 16h giờ Hà Nội) ngày 12-7, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là vô giá trị. Như vậy, Tòa án chuyên phân xử về các tranh chấp trên biển của Liên hợp quốc đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường chín đoạn”) mà Trung Quốc dựa vào để đòi chủ quyền với 80% diện tích của Biển Đông.

Có thể nói phán quyết của PCA không chỉ là thắng lợi của Philippines mà còn tạo thuận lợi cho các thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình, cũng như tạo thuận lợi cho Hiệp hội trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. PCA bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” trong vụ kiện của Philippines cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ đòi hòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố.

Tuy nhiên, phán quyết của PCA cũng đặt ra cho ASEAN không ít thách thức, nhất là việc duy trì đoàn kết của một Hiệp hội gồm 10 thành viên vốn đa dạng. Nếu như chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III vừa mãn nhiệm luôn rất kiên quyết trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền với Trung Quốc thì chính quyền tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại có những phát biểu thiếu nhất quán cùng quan điểm muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh để đổi lấy hàng tỷ USD đầu tư vào các cơ sở hạ tầng.

Phán quyết của PCA mang lại lợi thế lớn cho Philippines, song chính quyền Tổng thống Duterte từng tuyên bố sau phán quyết này sẽ tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc. Những tuyên bố của tân Tổng thống Duterte về lập trường với Trung Quốc sau vụ kiện đã khiến giới phân tích khu vực rất lo ngại về nguy cơ tái diễn kịch bản đáng thất vọng như tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 ở Campuchia, khi Hiệp hội lần đầu tiên trong lịch sử hơn 40 năm tồn tại đã không ra được Tuyên bố chung.

Từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 đến tình hình quanh vụ kiện Trung Quốc của Philippines cũng như đối với các vấn đề liên quan tới Biển Đông và mới nhất là việc ASEAN thay đổi tuyên bố chung tại Hội nghị đặc biệt với Trung Quốc ở Côn Minh tháng 6 vừa qua có thể thấy bàn tay can thiệp rất rõ của Bắc Kinh.

Trung Quốc với “miếng mồi nhử” lợi ích kinh tế kèm theo sự “đe nẹt” của một cường quốc đã dùng chính sách “chia để trị” hòng phân hóa “bó đũa” ASEAN nhằm dễ bề áp đặt, thao túng khu vực. Phi pháp và phi nghĩa trong tham vọng độc chiếm Biển Đông sẽ càng khiến Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động nhằm phân hóa và chia rẽ ASEAN sau khi có phán quyết của PCA.

Suốt gần nửa thế kỷ qua kể từ khi ra đời năm 1967, giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh của ASEAN là đoàn kết. Đối với một Hiệp hội không có một cường quốc khu vực hay quốc tế nào trở thành người khởi xướng, dẫn dắt, tinh thần đoàn kết đã trở thành nòng cốt trong nhiều quyết sách quan trọng đối với hòa bình, an ninh cũng như kinh tế - xã hội của không chỉ khu vực Đông Nam Á mà bao trùm cả châu Á - Thái Bình Dương.

Không có được giá trị cốt lõi ấy suốt gần nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm và biến cố, ASEAN không thể trở thành một trong những Hiệp hội thành công và có vai trò, ảnh hưởng lớn ở khu vực và quốc tế như hiện nay. Dù đối mặt với thách thức sau phán quyết của PCA và mọi toan tính cùng hành động nhằm ly gián, phân hóa song chắc chắn các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục đoàn kết trong vấn đề Biển Đông hậu phán quyết PCA như Hiệp hội đã từng thể hiện trong những giai đoạn thử thách cam go trước đây.