- Khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế về tội nhận hối lộ
- Kế toán công ty dược câu kết với Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang đưa-nhận hối lộ
Trong vụ án này có 23 bị can bị đề nghị truy tố về nhiều tội danh; trong đó có cựu Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và hàng loạt cựu giám đốc các bệnh viện bị điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Khi doanh nghiệp tìm cách “lách luật”
Cuối năm 2019, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế ban hành cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc theo quy định của Luật đấu thầu.
![]() |
Các bị can trong vụ án |
Trước đó, các cơ sở y tế tư nhân không được tổ chức đấu thầu mà chỉ mua thuốc theo kết quả đấu thầu do Sở Y tế hoặc các cơ sở y tế công lập tổ chức. Nắm bắt được điều này, Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược LanQ (Công ty LanQ) đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Văn Cách, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần dược Sơn Lâm (Công ty Sơn Lâm) về việc Công ty LanQ sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc.
Theo đó, Công ty Sơn Lâm sẽ “giúp” Công ty LanQ dùng các thủ đoạn gian dối để Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất trúng thầu với giá trúng thầu cao nhất có thể theo năng lực của 2 công ty, nhằm hợp thức giá thuốc đầu vào cao, quyết toán được nhiều tiền từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, chia nhau hướng lợi.
Thực hiện thỏa thuận trên, lợi dụng sự bất cập trong quy định pháp luật về việc xác định giá dược liệu, vị thuốc và việc kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức đầu thầu, Phạm Văn Cách chỉ đạo Lê Văn Tình - Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm phụ trách công tác đầu thầu, phối hợp với Nguyễn Thúy Kim - Kế toán Công ty LanQ, cùng xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng việc đưa ra các tiêu chí tạo lợi thế cho Công ty Sơn Lâm.
Các cá nhân này tiếp đó nhờ Công ty cổ phần D. tham gia đầu thầu với vai trò làm "quân xanh" để tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng nếu bị thanh tra, kiểm tra.
Với sự sắp xếp, dàn dựng trên, Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất đủ điều kiện trúng thầu. Ngày 16-1-2020, hai công ty ký hợp đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, sau khi Công ty Sơn Lâm cung cấp được một phần nhỏ so với giá trị ký kết trên hợp đồng, Quyền và Cách tiếp tục lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát thuốc đầu vào của Bảo hiểm xã hội để móc ngoặc với Công ty cổ phần Đông dược Hà Nội CQB (địa chỉ tại khu phố Long Vỹ, phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do vợ chồng Nguyễn Quang Cường, Phạm Thị Thanh Nhàn quản lý, điều hành - sau đây gọi tắt là Công ty CQB) mua thuốc với giá rẻ hơn nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Công ty Sơn Lâm chịu trách nhiệm xuất hóa đơn bán hàng theo giá trúng thầu, lập phiếu xuất kho, cung cấp bao bì nhãn mác cho Công ty LanQ để hợp thức đầu vào cho số thuốc mua của Công ty CQB. Ngoài phần thuế VAT phải nộp cho nhà nước, Công ty Sơn Lâm sẽ được hưởng 18% trên tổng giá trị hóa đơn xuất khống (chưa tính thuế VAT).
Căn cứ hóa đơn mua bán xác định, từ ngày 26-3-2020 đến ngày 28-4-2021, Công ty Sơn Lâm đã xuất 100 hoá đơn cung cấp thuốc cho Công ty LanQ với tổng giá trị hơn 55 tỷ đồng… Sau khi hợp thức hóa đầu vào thuốc, thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã làm hồ sơ, được thanh toán hơn 40 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân chi trả.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra xác định, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã có hành vi cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền, dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. Hành vi của bị can Nguyễn Mạnh Quyền và Phạm Văn Cách đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chi tiền để được “tạo điều kiện”
Quá trình mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn làm rõ hành vi “Đưa hối lộ” của Nguyễn Mạnh Quyền và Phạm Văn Cách. Theo đó, để tạo điều kiện giải ngân tiền tạm ứng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Công ty LanQ, Quyền đã chỉ đạo Nguyễn Kim Thúy đưa hối hộ 700 triệu đồng cho Thân Đức Lại - nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang.
Mặt khác, thực hiện theo chỉ đạo của bị can Phạm Văn Cách, bị can Lê Văn Tình đã có hành vi thỏa thuận, đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền thuộc một số bệnh viện, trung tâm y tế để đảm bảo việc cung cấp thuốc của Công ty Sơn Lâm không bị gây khó khăn. Ngoài ra, Lê Văn Tình còn chiếm hưởng hơn 4 tỷ đồng từ bị can Nguyễn Thị Hiệu và bị can Tống Viết Phải.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định, hành vi của bị can Lê Văn Tình đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Nguyễn Mạnh Quyền và phạm tội “Đưa hối lộ”
Quá trình điều tra, mở rộng, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn làm rõ hành vi phạm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn cả nước.
Mặc dù đã trúng thầu theo quy định của pháp luật nhưng để quá trình cung cấp thuốc được thuận lợi, bị can Phạm Văn Cách đã đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng cho một số cá nhân có thẩm quyền thuộc bệnh viện, trung tâm y tế trước, trong hoặc sau quá trình thực hiện hợp đồng để không bị gây khó khăn trong quá trình cung cấp thuốc.
Một trong số đó là bị can Huỳnh Nguyễn Lộc, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh; ông Lộc đã thỏa thuận, nhận hối lộ hơn 47 tỷ đồng từ bị can Phạm Văn Cách để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sơn Lâm trong quá trình cung cấp thuốc vào Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.
Tương tự là bị can Trương Thị Thu Hương; với vai trò là Giám đốc, người có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, bà Hương yêu cầu bị can Phạm Văn Cách phải đưa chi phí “hoa hồng” từ 10% đến 30%/ hóa đơn mua bán (chưa tính thuế VAT), bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Hương hoặc người thân của Hương. Cho đến khi bị bắt, bà Hương đã nhận tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng…