Những cơn dư chấn từ "Hồ sơ Panama"

ANTĐ - Cơn địa chấn “Hồ sơ Panama” vẫn tiếp tục tạo ra những cơn dư chấn, khi tên tuổi hàng loạt các nhân vật chính trị cao cấp xuất hiện trong các báo cáo giải trình trước những lời cáo buộc dính líu đến trốn thuế và che giấu tài sản.

Những cơn dư chấn từ "Hồ sơ Panama" ảnh 1Tổng thống Argentina M.Macri đang bị thẩm phán nước này yêu cầu giải trình

Thông tin nổi bật nhất là việc tối 7-4, Thủ tướng Anh David Cameron cuối cùng đã thừa nhận được hưởng lợi từ Quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust (BIT) mà cha ông đã lập ở nước ngoài để tránh đóng thuế cho nước Anh như đã bị tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”. Ông D. Cameron từng góp 30.000 bảng vào BIT nhưng đã bán cổ phần của mình ở quỹ này với giá 31.500 bảng trước khi trở thành Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, ông khẳng định không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ người cha quá cố có phải được hưởng lợi từ “thiên đường thuế” hay không.

Một nhân vật chính trị khác gặp rắc rối là Tổng thống đương nhiệm Argentina M. Macri. Thẩm phán liên bang Argentina F. Delgado đã chính thức yêu cầu tiến hành điều tra vai trò của ông M. Macri trong Công ty Fleg Trading có trụ sở tại Bahamas và Công ty Kagemusha tại Panama, vốn bị tình nghi là các công ty ma tham gia trốn thuế và rửa tiền. Ông M. Macri từng là một doanh nhân và là con trai của nhà triệu phú có tiếng ở Argentina F. Macri, còn Fleg Trading và Kagemusha đều là công ty của gia đình ông F. Macri.

Cũng trong ngày 7-4, ông B. Meestadt - Ủy viên Hội đồng quản trị ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu đã tuyên bố từ chức. Trước đó, truyền thông Hà Lan và báo Sueddeutsche Zeitung, một trong những tờ báo đầu tiên công bố nhiều tài liệu mật đề cập tới hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới bị cho là trốn thuế, cho biết ông B. Meerstadt có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama” với tư cách cổ đông sáng lập của công ty mang tên Morclan Corporation có trụ sở ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Chưa biết sẽ còn những yếu nhân nào nữa phải đứng ra giải trình, nhưng có điều rõ ràng là ngăn chặn âm mưu toan trốn thuế, che giấu tài sản, rửa tiền… đã trở thành mối quan tâm của dư luận nhiều nước. Quy mô các hoạt động ngầm trên thị trường tiền tệ đang khiến người ta giật mình. Theo TS J. Henry, cố vấn cấp cao của Mạng lưới công lý thuế, số tiền đen giấu ở những “thiên đường thuế” có thể từ 21.000 đến 32.000 tỉ USD. Con số này còn lớn hơn cả tổng nợ quốc gia của toàn nước Mỹ. Còn theo đánh giá của các nhà điều tra, mỗi năm bọn tội phạm “rửa” từ 1.000 -1.500 tỷ USD trên toàn thế giới.

Chính vì thế mà nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã bắt đầu hành động. Dù chưa có nhân vật quan trọng nào bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” nhưng giới lập pháp Mỹ đã đề nghị Bộ Tài chính nước này mở cuộc điều tra xem có hay không sự dính líu của Mỹ hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan tới Mỹ với Công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ bê bối trốn thuế. Các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Bộ Tài chính cần phải bảo vệ sự minh bạch của hệ thống tài chính Mỹ và thực thi các điều luật về chống rửa tiền và bảo trợ khủng bố.

Liên minh châu Âu (EU) đe dọa sẽ trừng phạt các nước giống Panama nếu những nước này tiếp tục từ chối hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ P. Moscovici cho rằng, người dân đã chán ngấy với những vi phạm này. Theo ông P. Moscovici, EU cần phải sẵn sàng đối phó bằng những biện pháp trừng phạt thích đáng nếu các nước không thay đổi.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã lên tiếng cáo buộc Panama không hành động đầy đủ để thực hiện các tiêu chuẩn về minh bạch và chia sẻ thông tin, đồng thời so sánh Panama là “thiên đường trốn thuế cuối cùng”, tạo điều kiện cho các quỹ giấu tài sản ở nước ngoài. “Hồ sơ Panama” sẽ còn tiếp tục tạo ra những cơn dư chấn toàn cầu.

Tổng thống Putin “phản pháo” “Hồ sơ Panama”

Tổng thống Putin vừa lên tiếng khẳng định rằng, một người bạn của ông được nhắc đến trong “Hồ sơ Panama” không làm gì sai và đã dành hết số tiền từ việc kinh doanh vào mua dụng cụ âm nhạc. 

Cách đây ít hôm, truyền thông quốc tế đã trích dẫn tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca ở Panama cho biết, nghệ sĩ cello Sergei Roldugin, bạn thân của Tổng thống Putin, đã xây dựng một đế chế kinh doanh lớn và thực hiện các giao dịch phi pháp ở nước ngoài có thể liên quan đến lãnh đạo Nga.

Phát biểu trước những người ủng hộ ở St. Petersburg, Tổng thống Putin cho rằng, vụ lộ tài liệu mật này được dàn xếp nhằm làm bất ổn nước Nga: “Những thế lực đối lập đang tìm cách phá hỏng sự đoàn kết của dân tộc Nga”. Tổng thống Putin thừa nhận rằng, ông Roldugin là cổ đông của một công ty Nga, tuy nhiên, chắc chắc đó không phải là việc mang lại hàng tỉ USD như truyền thông nghi ngờ.    
                              
Đặng Vũ (Theo Reuters)