Những cảnh báo nghiêm trọng của Stephen Hawking để thế giới tốt đẹp hơn

ANTD.VN - Ngoài những công trình khoa học phi thường, những năm cuối đời, thiên tài Vật lý Stephen Hawking đã đưa ra nhiều cảnh báo nghiêm trọng với nhân loại, như nguy cơ vũ khí hạt nhân, thiên thạch tấn công, virus biến đổi gien và khí hậu nóng lên…

Stephen Hawking đã sống sót với căn bệnh hiểm nghèo và cống hiến những điều vĩ đại cho nhân loại

Nghị lực sống phi thường

Lúc sinh thời, Hawking cho biết ông thường không nghĩ đến những hạn chế về sức khỏe và tuổi thọ. “Trên thực tế, tôi đã phải chung sống với bệnh tật trong suốt cuộc đời của một người trưởng thành. Thế nhưng điều đó chẳng ngăn nổi tôi có được một gia đình đáng yêu và thành công trong sự nghiệp. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể và không nghĩ tới căn bệnh của mình hay hối tiếc về những điều mà vì bệnh tật mình đã không thực hiện được - kỳ thực thì những điều đó cũng chẳng có nhiều”, ông tâm sự.

Trước khi qua đời, Stephen Hawking là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học của Đại học Cambridge. Văn phòng của ông nằm trên tầng cao nhất của Đại học Cambridge. Căn phòng đó chứa đầy kỷ vật: những bức ảnh gia đình, một mô hình tàu vũ trụ con thoi của NASA hay bức ảnh ông chụp cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân, bà Michelle Obama.

Bên cạnh đó, trên giá sách có sách học thuyết của nhà khoa học Isaac Newton, các bản dịch ra những thứ tiếng khác nhau của cuốn “A Brief History of Time” (Lược sử thời gian) và nhiều cuốn sách vật lý khác. Trên tường là một tấm bảng đen viết đầy các phương trình, các bức chân dung của hai nhà khoa học Einstein và Newton, và đặc biệt là ảnh của đạo diễn Steven Spielberg cùng nữ diễn viên Marilyn Monroe. 

Những bức ảnh treo tại văn phòng cho thấy nhà vật lý học Stephen Hawking đã đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia và các Giáo hoàng. Năm 2007, ở tuổi 65, Stephen Hawking trở thành người liệt tứ chi đầu tiên trải nghiệm một chuyến bay không trọng lực ở Florida (Mỹ). Đó cũng là lần đầu tiên trong vòng 40 năm, ông rời khỏi chiếc xe lăn của mình.

“Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Stephen mà tôi từng chứng kiến”, Sam Blackburn, một trong những trợ lý của Hawking cho biết. Khi được hỏi tại sao lại dấn thân vào một chuyến bay tiềm ẩn rủi ro như vậy, Hawking nói: “Tôi muốn chứng tỏ rằng, con người không bị giới hạn bởi khuyết tật hình thể chừng nào họ không khuyết tật về tinh thần”. 

Trên chiếc xe lăn, Stephen Hawking đã đi khắp nơi trên thế giới để giảng dạy và truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Năm 2009, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống - danh hiệu cao quý nhất ở Mỹ dành cho một cá nhân trong lĩnh vực dân sự.

Những cảnh báo nghiêm trọng của Stephen Hawking để thế giới tốt đẹp hơn ảnh 2Những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Hawking khi ông còn trẻ

Những cảnh báo cuối cùng

Những năm cuối đời, Stephen Hawking đã đưa ra nhiều cảnh báo nghiêm trọng với nhân loại. Ông kêu gọi loài người chạy khỏi Trái đất trong vòng 100 năm nữa để tránh nguy cơ vũ khí hạt nhân, thiên thạch tấn công, virus biến đổi gien và khí hậu nóng lên. Ông cũng cảnh báo sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ dẫn tới hủy diệt nhân loại.

“Thành công trong việc chế tạo hiệu quả AI có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử văn minh của nhân loại. Nhưng nó cũng có thể được xem là sự kiện tồi tệ nhất. Chúng ta chưa biết được ảnh hưởng của nó tới nhân loại. Chúng ta không thể biết là chúng ta sẽ được trợ giúp bởi AI, hoặc có thể bỏ qua nó hay sẽ bị hủy hoại bởi phát minh này”, ông Hawking cho biết trong bài phát biểu. 

Theo ông, nếu con người không học được cách làm thế nào để chuẩn bị cũng như tránh những nguy cơ tiềm ẩn thì AI có thể sẽ trở thành điều tồi tệ nhất của văn minh nhân loại. AI sẽ đem lại sự nguy hiểm như một thứ vũ khí có thể tự trị hoặc nó biến thành phương tiện để người áp bức người nhiều hơn, gây ra mối nguy cơ lớn đối với nền kinh tế của chúng ta. Nhà Vật lý học cho rằng để tránh những mối nguy cơ tiềm ẩn từ AI, những người sáng tạo ra các cỗ máy trí tuệ nhân tạo, robot cần phải sử dụng những phương pháp kiểm soát và quản lý chúng hiệu quả.

“Tôi là một người lạc quan và tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra AI nhằm giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời chúng ta cũng có thể làm việc hài hòa với nó. Chỉ cần chúng ta nhận thức và xác định đúng mục đích sử dụng, cách sử dụng, quản lý hiệu quả cũng như đề phòng được những hậu quả mà chúng có thể gây ra”, ông Hawking chia sẻ.

Nhà vật lý lý thyết, Giáo sư Matthew Buckley, cho biết thiên tài Hawking đã “vượt xa” hơn danh tiếng của ông. “Hawking là một nhà khoa học tài giỏi. Thế giới không thể biết đến ông nếu như ông không kiên cường chống lại bệnh tật”, Giáo sư Buckley ca ngợi nghị lực phi thường của Giáo sư Hawking trên Twitter trước khi nhấn mạnh những thành quả nghiên cứu của ông.