Diễn biến phiên tòa tham ô tài sản tại BIDV Đông Đô:

Nhóm bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng chối tội

ANTĐ - Cũng giống phiên tòa hồi tháng 9-2010 (bị trả hồ sơ điều tra bổ sung), nhóm bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng trong vụ án này đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình như truy tố.
 Trần Lệ Thủy (thứ 2 từ trái qua) tại phiên tòa
 Trần Lệ Thủy (thứ 2 từ trái qua) tại phiên tòa
 

Phủ nhận tội tham ô

Quá trình thẩm vấn, Trần Lệ Thủy là bị cáo tỏ ra khá thành khẩn khi khai nhận về hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng bị cáo giữ vai trò “đạo diễn”, chủ mưu xuyên suốt vụ án lại cho rằng không phạm tội tham ô tài sản như cáo buộc. Bào chữa cho bị cáo Thủy, luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, các giấy chứng nhận tiền gửi (GCNTG) mà bị cáo cùng đồng phạm giả mạo, sau đó tráo đổi lấy GCNTG thật về bản chất không phải là giấy tờ có giá mà thuần túy chỉ là “quyển sổ tiết kiệm” có kỳ hạn nhằm xác định chủ thể sở hữu cụ thể. Nói cách khác, giấy tờ có giá tự thân nó được thoải mái dịch chuyển quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác. Ngược lại, GCNTG có giá trị chỉ đối với bản thân chủ thể đứng tên sở hữu tài sản (tiền) được thể hiện trên cuốn “sổ tiết kiệm” đó.

Luật sư bào chữa cho Trần Lệ Thủy còn viện dẫn, chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng khẳng định GCNTG không đủ cơ sở để coi là một loại giấy tờ có giá. Vì vậy bị cáo không phạm tội tham ô. Tương tự, các luật sư bào chữa cho Trần Chí Dân và Trần Thị Huyền cũng có chung quan điểm như vậy. Về vai trò phạm tội của Thái Thị Yên, luật sư bào chữa cho bị cáo này khẳng định, thân chủ của ông không đồng phạm với Trần Lệ Thủy và cũng không phạm tội lừa đảo như cáo buộc. Bởi, quá trình Thủy phạm tội, Yên không biết, không được bàn bạc và không hề được hưởng lợi lộc gì. Luật sư nêu ra Yên là bạn thân của Thủy. Vì quá tin tưởng và nể nang bạn nên bị cáo mới bị “sập bẫy”. “VKS cáo buộc Thái Thị Yên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải chịu chung hậu quả về số tiền hơn 174 tỷ đồng tại BIDV Đông Đô là quá nặng” - luật sư tỏ quan điểm.

Tai nạn nghề nghiệp (!?)          
Trả lời các câu hỏi của HĐXX và tranh luận tại tòa, bị cáo Vũ Khắc Thành, nguyên PGĐ BIDV Đông Đô luôn quả quyết đã thực hiện đúng quy trình khi ký duyệt các hồ sơ. Căn cứ mà Vũ Khắc Thành cùng luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra đó chính là các văn bản ủy quyền của giám đốc và các quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Về hành vi ký duyệt 3 hợp đồng cho Trần Lệ Thủy vay vốn, bị cáo khẳng định đó đều rơi vào 3 lần đồng cấp Phạm Thị Hồng Thái đi vắng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa, Phạm Thị Hồng Thái (người được ký duyệt vay vốn) đều khẳng định chỉ chắc chắn về 2 lần đi vắng, còn 1 lần có vắng mặt tại cơ quan hay không thì… không nhớ. Có thể thấy bị cáo không vi phạm quy trình. Hành vi của bị cáo và hậu quả xảy đến với ngân hàng chỉ là một tai nạn nghề nghiệp” - Vũ Khắc Thành trình bày.

Tương tự, Phạm Thị Hồng Thái, Hoàng Bích Liên và Nguyễn Minh Hằng cũng cho rằng đã làm hết trách nhiệm, không buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, bác lại tất cả lời khai, biện hộ nêu trên, đại diện VKS đã lần lượt phân tích và chỉ rõ các dấu hiệu khách quan, chủ quan của từng bị cáo đều đầy đủ căn cứ để quy kết theo 4 tội danh nêu tại cáo trạng. Đặc biệt, hành vi của Nguyễn Thị Thu, nguyên Phó Trưởng phòng Giao dịch I CVB Thành Công thể hiện rõ vai trò đồng phạm giúp sức tích cực trong suốt quá trình Trần Lệ Thủy lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại BIDV Đông Đô.