Nhiều người lao động cầm cố sổ BHXH vay tiền phải bỏ sổ vì không có tiền chuộc do lãi cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng mua bán, cầm cố Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm trục lợi tái diễn với thủ đoạn tinh vi, theo các chuyên gia pháp lý, cả người mua và người bán, cầm cố sổ sẽ bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Trên mạng xã hội, lợi dụng việc nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã lập các hội nhóm đăng tin mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá cao.

Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH để trục lợi) gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm.

Thông tin trên thu hút sự chú ý của khá đông người lao động. Anh Đào Văn Thắng – công nhân khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ, anh đã tham gia BHXH được 10 năm.

Do sau dịch, công ty bị mất nhiều đơn hàng nên phải giảm lương và chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân. Vì ở quê có mẹ già, con nhỏ, mức lương hiện tại không đủ sống nên anh Thắng quyết định xin nghỉ việc về quê tăng gia sản xuất.

‘Mới đây khi vào Zalo tôi đọc được tin có người nhận mua sổ BHXH với giá cao nên băn khoăn không biết có nên bán sổ lấy vốn làm ăn hay không. Có anh bạn cùng phòng trọ của tôi do khó khăn đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền và bỏ luôn sổ BHXH không có tiền chuộc vì tiền lãi quá hạn tăng’ - anh Thắng thở dài.

Mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới hình thức nào cũng là hành vi trục lợi bất chính

Mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới hình thức nào cũng là hành vi trục lợi bất chính

Về hiện tượng mua bán, nhận cầm cố sổ BHXH nhằm trục lợi, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí bảo đảm an sinh khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.

Theo Quyết định 1035 và Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định.

Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó làm thủ tục kê khai sổ bị mất, hư hỏng để xin cấp lại thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng

Người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn bị buộc nộp lại cho cơ quan BHXH số tiền BHXH đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự. Điều 214 BLHS 2015 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định người lao động có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH nhằm chiếm đoạt tiền BHXH từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm - luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.