Nhiều khi sát giờ họp Đại biểu Quốc hội mới nhận được tài liệu

ANTĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là nội dung thu hút sự chú ý của các ĐBQH và đông đảo cử tri cả nước. Bên lề ngày làm việc của Quốc hội hôm qua (4-6), bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với báo chí một số vấn đề liên quan.

- PV: Nhiều ý kiến ĐBQH bức xúc về việc chuyển tài liệu chậm cho đại biểu, dẫn đến việc đóng góp ý kiến thảo luận trong các kỳ họp Quốc hội chưa có chất lượng cao. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Đúng vậy, theo quy định là tất cả các tài liệu, đặc biệt là các dự án luật phải được chuyển đến tay ĐBQH trong khoảng thời gian 20 ngày, trước khi khai mạc kỳ họp. Việc này nếu thực hiện đúng, sẽ giúp ĐBQH có đủ thời gian nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến đóng góp, thảo luận và sẽ cho ra những văn bản pháp luật có chất lượng cao hơn. Thế nhưng, thực tế việc chuyển tài liệu rất chậm, có khi đến sát giờ họp ĐBQH mới nhận được tài liệu. 

- Vậy, nguyên nhân này do đâu?

- Những tài liệu trước khi được đưa tới ĐBQH, phải được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra xong, trình ra UBTVQH tại các phiên họp để cho ý kiến. Nguyên tắc là như vậy, nhưng theo quy trình thì trước khi có tài liệu để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo phải trình Chính phủ để có ý kiến, rồi mới đưa tới các cơ quan của Quốc hội thẩm tra. Tôi cho rằng, nguyên nhân tài liệu chậm đến tay ĐBQH là do cơ quan được giao chủ trì soạn thảo làm chậm, hoặc do những cuộc họp Chính phủ chậm có ý kiến về các dự án luật. Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiến hành thẩm tra cũng chậm, nên không đảm bảo thời gian gửi cho các ĐBQH theo quy định. 

- Theo bà, Đề án dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, liệu có làm thay đổi được sự chậm trễ kể trên không?

- Mục đích của Đề án là nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và một trong những vấn đề quan trọng để chất lượng kỳ họp Quốc hội được nâng cao nằm ở chính chất lượng các vấn đề mà ĐBQH thảo luận. Những tài liệu liên quan tới các dự án luật, các báo cáo cần để cho ĐBQH nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo, có thời gian chuẩn bị dài hơn nữa để các ĐBQH có thể rút ra những vấn đề lớn, quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm.