Tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á”:

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Việt Nam về Biển Đông

ANTĐ - Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 với chủ đề “Châu Á cất cánh-Thông điệp cho 20 năm tới” sáng 22-5, tại Tokyo, Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để phát triển bền vững trong tương lai, châu Á cần có môi trường hoà bình và ổn định.

Tàu kiểm ngư Việt Nam (giữa) bị các tàu Trung Quốc bao vây, cản trở khi thi hành nhiệm vụ

Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định nhiều quốc gia châu Á đã đạt được  bước tiến nhảy vọt về phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên “sự thần kỳ châu Á”. Song, bên cạnh các cơ hội, châu Á cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức và để tiếp tục những bước tiến “thần kỳ” thì các nước châu Á cần phải tăng cường hợp tác tạo ra không gian phát triển mới rộng lớn hơn để sử dụng tài nguyên, nguồn lực có hiệu quả, đồng thời tăng cường kết nối châu Á với thế giới. 

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng, gây quan ngại nghiêm trọng trong khu vực và thế giới do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ đầu tháng 5-2014. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. 

Các vấn đề do Việt Nam nêu ra đã thu hút sự chú ý của hội nghị không chỉ bằng quan điểm, cách nhìn của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, tương lai châu Á hay những vấn đề cần chung tay hợp tác, phát triển mà còn là những câu chuyện nhỏ, sinh động được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên tại Hội nghị cũng như phần trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với các đại biểu. Đó là cách giải quyết mâu thuẫn trong làng quê ở Việt Nam từ xóm giềng, nhưng trên hết dựa trên luật lệ, hương ước vừa có lý, có tình. Từ đó, Phó Thủ tướng khẳng định nguyên tắc cần tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Hay câu chuyện một người phụ nữ nghèo đi bộ 10km để gửi 2 USD cho các nạn nhân bị động đất, sóng thần ở Nhật Bản bởi vì tại nơi bà ở có trường học do Nhật Bản hỗ trợ xây dựng. Đây là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp cần dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền của nhau giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản. 

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao phần trao đổi trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như vai trò của các nước ASEAN, của các nước lớn đối với đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực; triển vọng hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với ASEAN và Việt Nam.