Nhiều băn khoăn với chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi

(ANTĐ) - Chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi được coi là thang đo cần thiết để chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo về các chỉ số và lĩnh vực đánh giá chuẩn của trẻ 5 tuổi lại đang gây nhiều tranh cãi.

Nhiều băn khoăn với chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi

(ANTĐ) - Chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi được coi là thang đo cần thiết để chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo về các chỉ số và lĩnh vực đánh giá chuẩn của trẻ 5 tuổi lại đang gây nhiều tranh cãi.

Chưa thống nhất về độ khó dễ của các tiêu chí trong chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Chưa thống nhất về độ khó dễ của các tiêu chí trong chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi

Phụ huynh và giáo viên cùng lo lắng

Không ít phụ huynh khi đọc các tiêu chí trong bản dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đã lo lắng trước các chỉ số được đặt ra cho con mình như phải chạy liên tục 150m không bỏ cuộc giữa chừng, đi giật lùi được ít nhất 5m theo hướng thẳng hay biết nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt rồi các khả năng giao tiếp, nhận thức, biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như ăn vạ, gào khóc, ném đồ chơi... Với 125 tiêu chí cùng khá nhiều các chỉ số được đặt ra, nhiều phụ huynh thắc mắc không biết con em mình có đạt chuẩn hay không khi thực tế con em mình không thể đáp ứng được một số yêu cầu trong bộ chuẩn này.

Ngoài lo lắng của phụ huynh, phía giáo viên cũng có không ít băn khoăn. Bộ GD-ĐT yêu cầu căn cứ nội dung từng chỉ số của bộ chuẩn này để đánh giá sự phát triển của trẻ cuối mỗi học kỳ và báo cáo kết quả này với Ban giám hiệu, làm căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục của từng lớp và nhà trường và đưa vào hồ sơ cá nhân của trẻ.

Quy định này làm nảy sinh nỗi lo “quá tải” đối với giáo viên đứng lớp khi có những lớp học chỉ có 2 cô nhưng phải trông tới gần 60 cháu. Bà Phan Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Thực hành Hoa Sen nhận xét rằng, để đánh giá theo đúng 125 tiêu chí này là việc khá mất thời gian.

Nếu giáo viên có năng lực, tâm huyết thì ngay trong quá trình dạy đã có sự quan sát, nhận xét nên khi thực hiện đánh giá sẽ nhanh hơn, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào sĩ số lớp học. Nếu lớp học quá đông nhiều khả năng sẽ không đánh giá thực chất vì có một số chỉ số phải đo trực tiếp trên trẻ.

Bà Phan Thị Tâm cũng phân tích việc thực hiện đánh giá khách quan theo bộ chuẩn sẽ giúp giáo viên và phụ huynh biết rõ về các đặc điểm của trẻ. Tuy nhiên, dù sao cũng có những trẻ có thể chất, tư duy không bằng các bạn, vì vậy nếu đặt vấn đề trẻ phải đạt các “chuẩn” thì phụ huynh sẽ lo lắng, con không đạt sẽ lại áy náy, chịu áp lực.

Chuẩn không phải để bắt buộc

Là một trong những người trực tiếp tham gia góp ý xây dựng dự thảo, bà Đặng Thị Sáu - Hiệu trưởng trường Mầm non Việt Bun cho biết, bản dự thảo với 29 chuẩn, 125 tiêu chí hiện nay đã được rút gọn rất nhiều so với dự thảo ban đầu với trên 400 tiêu chí. Các nội dung của dự thảo cũng được kiểm tra với gần 1.000 trẻ em ở các vùng, miền trên cả nước.

Nhiều vấn đề gây tranh cãi đã được sửa đổi nhưng trên thực tế có những điều đã góp ý nhưng chưa được sửa. Thí dụ, tiêu chí “chạy liên tục 150m...” đã được nhiều người phân tích là chỉ nên đưa ra tiêu chí chạy 100m để thuận lợi khi triển khai đại trà và phù hợp với điều kiện của nhiều trường mầm non.

Theo bà Đặng Thị Sáu, dự thảo khiến dư luận xôn xao vì họ nghĩ đây là chuẩn để đánh giá đứa trẻ, họ lo ngại vì nhiều tiêu chí con mình không đạt. Trong khi thực chất, chuẩn này là cơ sở để giáo viên điều chỉnh kế hoạch, có phương pháp giáo dục phù hợp và nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Các tiêu chí trong chuẩn là để hướng đến chứ không phải bắt buộc 100% trẻ 5 tuổi phải đạt được.

Nhận xét về dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi này, bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, bộ dự thảo này đã được xây dựng nhiều năm và vẫn cần phải được bổ sung, sửa chữa. Theo bà Đặng Huỳnh Mai, bộ chuẩn này cần kết hợp với các chỉ số dinh dưỡng đã được ngành y tế công bố như chiều cao, cân nặng...

Các chỉ số cũng cần đặt ra các ngưỡng để giáo viên và phụ huynh đánh giá theo hướng phù hợp với từng trẻ. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề quá tải với giáo viên, bộ chuẩn này cần phân tích rõ hơn trách nhiệm thực hiện của giáo viên, hiệu trưởng...

Bà Đặng Huỳnh Mai cho rằng, các tiêu chí cần được hướng dẫn sao cho giáo viên áp dụng vào các bộ môn để đánh giá trẻ liên tục trong cả năm học thì mới chính xác và đáp ứng đúng mục tiêu đạt chuẩn của nội dung chương trình học. “Nếu cứ để giáo viên dồn vào cuối mỗi học kỳ hay năm học mới tính điểm cho học sinh thì vừa gây quá tải cho giáo viên vừa tạo ra khả năng đối phó hay đánh giá trẻ thiếu chính xác” - bà Đặng Huỳnh Mai khẳng định.

Vinh Hương