Nhặt sâu trong “gêm-sâu”

ANTĐ - Xin cung cấp một số liệu điều tra ở tầm vĩ mô, ông thật bình tĩnh đừng có “choáng” nhé. Hiện tại, mỗi ngày, người dân dành 247 phút để xem tivi, 23 phút để nghe đài, 60 phút lên internet, chỉ dành 14 phút để đọc báo giấy.

- Có gì mà phải “choáng”. Một sự thật từ con bé cháu tôi đến bà xã, rồi cả phố phường và cả nước đều biết tỏng. Cứ ngỡ phát hiện gì ghê gớm.

- Đó không phải là những con số vô hồn, nó nói lên rằng truyền hình là phương tiện truyền thông chủ yếu nhất, hiệu quả nhất và tác động mạnh nhất đến mọi tầng lớp dân chúng. Báo in chắc chỉ dành cho một thiểu số đọc chậm, hiểu chậm và chậm nhớ(?!)

- Vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Giờ có điều gì mới mẻ, đáng nói thêm không? 

- Phải đáng nói thì mới nói ra chứ! Cuộc điều tra mấy nghìn hộ gia đình cho thấy, hầu hết đều kêu trời rằng, con khó dạy bảo tại vì “gêm-sâu”.

- Nghe có lý đấy! Nếu giải trí đơn thuần thì nói làm gì. Phải nghĩ tới khán giả, nhất là trẻ em chứ. Chúng luôn nghĩ những người đẹp nhất, tài năng nhất mới thi thố. Bất kỳ lời nói, hành vi ứng xử, kiểu ăn mặc trên tivi thế nào cũng làm trẻ bắt chước theo.

- Tôi thấy ngứa cả mắt khi có những người chẳng tài cán gì, vô tư lên sân khấu “làm trò”, tán hươu tán vượn. Vậy mà ban giám khảo vẫn tung hô sự “tự tin” vào bản thân.

- Đâu phải bắt chước những trò trên tivi thì mới là tự tin, trong khi khả năng chỉ bằng cái móng tay. Cố tình gán ghép, cho lên sóng những hành vi kệch cỡm, vô bổ, phản cảm rồi cho đó là tự tin.

- Nên nhớ, tất cả các trò “gêm-sâu” đều nhập khẩu, nếu dẹp bỏ hết thì trắng xóa màn hình, thì nhà đài lấy gì mà… sống khỏe.

- Biết vậy, nhưng đừng vì lợi nhuận quảng cáo mà không nhặt ra những “con sâu” trong 

“gêm-sâu”. Giải trí cũng phải mang tính giáo dục, tính nhân văn.