Nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ không được gây ô nhiễm môi trường

ANTĐ - Việc phá dỡ tàu cũ gắn với bảo vệ môi trường đang là một trong những bài toán đặt ra cho phát triển kinh tế hàng hải. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ không được gây ô nhiễm môi trường ảnh 1

Tháo dỡ tàu biển cũ phải gắn với các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ về mặt môi trường

- PV: Chủ trương xã hội hóa, thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển được doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này? 

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Lĩnh vực hàng hải có mức độ xã hội hóa cao nhất trong 5 lĩnh vực đầu tư ở nước ta hiện nay. Cụ thể về cảng biển, các trang thiết bị, nhà kho, bến bãi… đều do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác. Nhà nước hiện chỉ đầu tư các công trình hạ tầng công cộng về hàng hải. Nhưng chủ trương của Bộ GTVT là thời gian tới, kể cả những hạng mục theo quy định pháp luật là Nhà nước đang đầu tư, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư, khai thác để hạn chế tối đa việc phải sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư cũng như của Nhà nước.

Về tiến độ thực hiện chủ trương xã hội hóa, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo xây dựng đề án xã hội hóa cho cả ngành GTVT nói chung, cũng như các lĩnh vực nói riêng. Bên cạnh đó, chúng ta đang tích cực xây dựng các văn bản pháp luật theo hướng làm sao vừa chặt chẽ về quản lý Nhà nước, vừa tạo điều kiện tốt nhất để cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư, xây dựng, khai thác hàng hải, mang lại lợi ích kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh đất nước.


- Tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, nhiều đại biểu các tỉnh ven biển nêu kiến nghị chỉ nên cho phép phá dỡ tàu cũ trong nước thay vì nhập khẩu cả tàu cũ nước ngoài vào Việt Nam để phá dỡ, vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Ông lý giải ra sao về vấn đề này? 

- Bộ GTVT xây dựng dự thảo quy định về phá dỡ tàu biển và đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các thông tư liên quan về trình tự, thủ tục cấp phép cho các cơ sở phá dỡ tàu biển, cũng như đưa ra các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ về mặt môi trường. Thực tế hiện nay, việc tháo dỡ tàu cũ trong nước vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta chưa có văn bản quy định pháp luật nào quy định trình tự, thủ tục đặc biệt về vấn đề đảm bảo môi trường khi phá dỡ tàu biển. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định về trình tự thủ tục để các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia lĩnh vực này phải đáp ứng.

Song, giờ nếu chỉ đưa ra các điều kiện khắt khe rồi yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trong khi lượng tàu cũ trong nước quá ít thì chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư bài bản cả. Và nếu cứ phá dỡ theo quy trình thiếu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước thì môi trường bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng. 

Cho nên, Bộ GTVT đề xuất và đã được Chính phủ chấp nhận là cho phép nhập khẩu tàu biển cũ từ nước ngoài về để phá dỡ.  Như thế, chúng ta vừa có nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy thép, vừa giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm và mang lại lợi nhuận cao. Công nghệ của thế giới hiện nay cho phép chúng ta phá dỡ vẫn đảm bảo môi trường an toàn, kiểm soát được mức độ ảnh hưởng ô nhiễm.