Không biến Việt Nam thành bãi rác tàu cũ

ANTĐ - Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương và ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi, có 2 công ty đã nhanh chân xây dựng đề án nhập tàu cũ của Nhật Bản, Hàn Quốc và xin vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã chính thức phản bác đề xuất này.

Ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt cá ngừ bằng tàu sản xuất công nghệ Nhật

Nghìn tỷ đồng hiện đại hóa đội tàu cũ

Vào tháng 7 vừa qua, dư luận được phen ồn ào khi Công ty CP Tập đoàn Thuỷ hải sản Trí Việt và Công ty CP Đức Khải cho biết, sẽ chi hàng nghìn tỷ đồng để sắm đội tàu cá hàng trăm chiếc thay thế tàu cá vỏ gỗ của ngư dân. Công ty Trí Việt đã trình hồ sơ lên Bộ NN&PTNT cùng nhiều Bộ, ngành liên quan xin nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép, nhập 3 máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn và xây dựng 2 cầu cảng tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và Cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Là một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty Đức Khải cũng lên kế hoạch tham gia đánh bắt cá ở Biển Đông. Công ty đã gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ và các Bộ đề xuất cơ chế hỗ trợ cho phép nhập, ưu đãi lãi suất, thuế... để đầu tư 100 tàu cũ vẫn còn hạn sử dụng 30-40 năm từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng số vốn để triển khai dự án này hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó chi phí cho đội tàu hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đề nghị được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp lên tới 1.350 tỷ đồng. Ngoài ra, cả 2 Công ty đều đề nghị được vay vốn ưu đãi theo cơ chế của Nghị định 67 có hiệu lực vào ngày 25-8 tới đây.

Không cho nhập tàu cá cũ 

Tuy nhiên, đề xuất của 2 Công ty này không được Bộ NN&PTNT chấp thuận. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết sau khi xem xét hồ sơ của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt, Bộ NN&PTNT đã có công văn trả lời và cũng gửi văn bản này cho Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, việc xin nhập 50 tàu cá vỏ thép đã qua sử dụng, Bộ NN&PTNT cho rằng theo quy định tại Nghị định 52 về nhập khẩu tàu cá và Nghị định 53 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 52 là không phù hợp. Cụ thể, đối với tàu cá nhập khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp; là tàu vỏ thép, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; không quá 8 tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu); máy chính (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không quá 2 năm so với tuổi tàu (với tàu cá đã qua sử dụng); được Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (với tàu đã qua sử dụng).

Vì vậy, căn cứ các thông số kỹ thuật của tàu gửi kèm theo tờ trình của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt, có 13 trong số 14 tàu có tuổi trên 15 năm, 1 tàu có tuổi 12 năm, nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982, đã trên 30 năm hoạt động là không đúng quy định.

Ông Vũ Văn Tám cho biết, theo Nghị định 29 về đăng ký mua bán tàu biển quy định về giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam thì tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng không quá 15 năm. Do vậy, việc nhập khẩu tàu trong trường hợp này là không đủ điều kiện. Còn, việc vay vốn đóng tàu cá ưu đãi, văn bản của Bộ NN&PTNT cho rằng, điều kiện cho vay phải là các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND các tỉnh, thành phố duyệt. “Bộ NN&PTNT cũng không đồng ý với đề xuất của Công ty CP Đức Khải. Về việc công ty này xin nhập khẩu 100 tàu cá đều được sản xuất từ năm 1985 với các vật liệu khác nhau, đối chiếu các quy định thì số tàu cá này không đủ tiêu chuẩn”, ông Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Chu Tiến Vĩnh cho rằng, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có rất nhiều tàu khai thác hải sản vỏ thép, công suất trên dưới 1.000 CV, tuổi trên 10 năm phải nằm bờ, do đánh bắt không hiệu quả. Các nước này đã nhiều lần muốn tặng không cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản đã từ chối vì theo Nghị định 52 về nhập khẩu tàu cá và đặc điểm vùng biển Việt Nam không phù hợp. Tương tự, theo Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu, việc nhập tàu đánh bắt là hoạt động kinh tế bình thường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tàu cũ cần phải cân nhắc theo quy định, nếu không “sẽ thành bãi rác của các nước”.