Nhân viên trông, giữ xe gây tai nạn: Cần quy trách nhiệm chủ bãi xe

ANTĐ - Liên tiếp những vụ tai nạn do nhân viên trông giữ, rửa xe gây ra trong những ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm của chủ các garage đến đâu khi chính họ là người ký hợp đồng với khách hàng và trực tiếp hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ?

Nhân viên trông, giữ xe gây tai nạn: Cần quy trách nhiệm chủ bãi xe ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn làm chết 3 người tại phường Bồ Đề, quận Long Biên
do lái xe là nhân viên điểm rửa xe gây ra

Thu tiền thì phải chịu trách nhiệm

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô, anh Trần Mạnh Cường ở đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, những ngày gần đây, khi đọc những thông tin liên quan về các vụ tai nạn, anh khá băn khoăn khi thấy trách nhiệm của chủ xe, nhân viên các điểm rửa, trông giữ xe được phân tích, mổ xẻ khá kỹ song nghĩa vụ của chủ bãi xe hầu như chưa được đề cập đến.

Trong khi đó, theo anh Cường, khi gửi xe, anh ký hợp đồng với chủ điểm trông giữ chứ không ký với nhân viên. Hàng tháng, anh cũng thanh toán phí trông giữ cho chủ garage nên họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc trông giữ chiếc xe của anh. “Khi giao xe của khách cho nhân viên, các chủ garage phải đảm bảo rằng, họ đã giao xe cho người có bằng lái, có kinh nghiệm điều khiển xe. Trong trường hợp nhân viên lái xe gây tai nạn, chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm liên đới” - anh Cường phân tích.

Tương tự, ông Lê Minh Thắng ở ngõ 178 phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Thú thực, sau những vụ tai nạn vừa qua, mỗi khi mang xe đi rửa tôi rất lo lắng khi giao lại chìa khóa xe cho họ. Rút kinh nghiệm từ các sự cố, tôi luôn giao xe cho chủ garage, sau đó việc họ giao chiếc xe của tôi cho ai là quyền của họ và họ phải là người chịu trách nhiệm quản lý. Theo tôi, để hạn chế tai nạn, cơ quan chức năng cần siết chặt quy định về việc cấp phép đối với các điểm trông giữ, rửa xe, trong đó có điều kiện tuyển dụng nhân viên một cách chặt chẽ (như nhân viên đánh xe ra, vào buộc phải có Giấy phép lái xe)”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua việc tuyển dụng và quản lý nhân viên tại các điểm trông giữ, rửa xe của các chủ garage khá lỏng lẻo. Không ít chủ xe rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở khi chỉ sau một đêm gửi xe và chìa khóa tại bãi, sáng hôm sau khi nhận lại thấy chiếc xe vốn sạch sẽ của mình đã nồng nặc mùi bia rượu, khói thuốc và thức ăn do nhân viên điểm trông giữ vô tư vào trong xe ăn uống. Thậm chí, một số nhân viên còn tự ý sử dụng xe của khách gửi vào mục đích cá nhân như tranh thủ lượn phố để “nâng cao tay nghề” hay đưa đón bạn gái…

Cần xử lý nghiêm

Theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, nếu chủ cơ sở rửa, trông giữ xe do quản lý và giám sát người lao động không chặt chẽ, để cho nhân viên không có bằng lái tự ý lái xe của khách ra ngoài hoặc giao xe cho nhân viên khi biết rõ người đó không có bằng lái, sau đó gây tai nạn thì phải chịu trách nhiệm liên đới. Trong trường hợp việc tổ chức điểm trông giữ hoặc rửa xe không phép, cá nhân vi phạm còn bị xử lý hành chính theo quy định.

Khi chủ xe đã đưa xe vào bãi để gửi, rửa thì hai bên coi như đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản nên chủ garage có trách nhiệm bảo toàn tài sản cho chủ xe. Thời điểm chuyển giao xe là thời điểm chuyển đổi quyền quản lý xe từ chủ xe sang cho người thực hiện dịch vụ nên các vấn đề phát sinh liên quan kể từ khi giao xe thuộc trách nhiệm của người chủ garage. Điều 559 Bộ luật Dân sự quy định, “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ... Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Nếu xảy ra thiệt hại, để xác định nghĩa vụ bồi thường thuộc về ai cần làm rõ yếu tố lỗi. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Có thiệt hại xảy ra; Có hành vi trái pháp luật (hành vi xâm phạm đến tài sản của chủ sở hữu); Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và lỗi của người gây thiệt hại. 

Về trách nhiệm hình sự, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, các chủ garage có thể bị khởi tố về tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 205 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Như vậy, theo  quy định hiện hành, trách nhiệm pháp lý của chủ các điểm trông giữ, rửa xe đã khá rõ ràng. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm để làm gương. Bên cạnh đó, mỗi người khi gửi hay rửa xe cần “chọn mặt gửi vàng”, nên đến các điểm trông giữ đã được cấp phép, ký hợp đồng chặt chẽ với chủ garage và không nên đưa chìa khóa hay giao xe bừa bãi cho nhân viên các điểm trông giữ, rửa xe.