Nhận rõ thủ đoạn chống phá núp dưới chiêu bài đòi Đổi mới chính trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cùng với Đổi mới kinh tế, Đổi mới chính trị là lĩnh vực luôn bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tập trung chống phá. Thế nhưng, cũng như trong lĩnh vực kinh tế, những thành tựu Đổi mới chính trị không thể phủ nhận tại đất nước ta là sự bác bỏ, làm thất bại mọi toan tính, âm mưu chống phá trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Những thành tựu Đổi mới chính trị là cơ sở để đất nước ta phát triển mạnh mẽ

Những thành tựu Đổi mới chính trị là cơ sở để đất nước ta phát triển mạnh mẽ

Mưu toan phủ nhận Đổi mới chính trị nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng

Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta có nhiều đổi mới cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Tại mỗi kỳ Đại hội Đảng, Báo cáo Chính trị đều đề cập tới thành tựu to lớn cũng như phương hướng lớn tiếp tục đổi mới chính trị.

Bên cạnh những suy tư chân thành như “Liệu đổi mới chính trị có dẫn đến thay đổi chế độ chính trị?”, những thế lực thù địch, phản động cùng những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng điều này để lớn tiếng rêu rao: “Việt Nam đang thay đổi chế độ chính trị, ngày càng xa rời chủ nghĩa xã hội!” hay tung ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá sự Đổi mới chính trị và những thành tựu quan trọng đạt được.

Có thể nói, sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội về Đổi mới chính trị ở Việt Nam là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong điều kiện mới nhằm hướng tới mục tiêu sâu xa và thâm hiểm là phá hoại, làm mất ổn định chính trị, phát triển của đất nước ta.

Thực tế, chính trị và Đổi mới chính trị là vấn đề các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá quyết liệt. Những luận điều chống phá hầu như chẳng có gì mới mẻ, chúng chủ yếu tập trung vào việc chỉ trích, phê phán chế độ một đảng, rêu rao rằng đó là “đảng trị”, mất dân chủ… để rồi lớn tiếng đòi phải đa nguyên, đa đảng.

Trong sự chống phá Đổi mới chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lặp lại luận điệu cũ rích nhiều năm rằng, hệ thống tổ chức, bộ máy cồng kềnh, chính phủ, quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ là hình thức, theo đuôi đảng. Chúng cũng tập trung tấn công trực diện Đảng ta với luận điệu như: Đảng đứng trên luật pháp, quyền lực xã hội tập trung vào một số ít người…

Cùng với đó, chúng tìm cách chống phá, xuyên tạc mối quan hệ giữa Đổi mới chính trị và Đổi mới kinh tế trong quá trình phát triển đất nước. Chúng cho rằng, đó là sự đổi mới nửa vời, đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị tương ứng, kinh tế nhiều thành phần nhưng chính trị lại độc đảng, thế nên chắc chắn sẽ kém hiệu quả.

Các thế lực thù địch, chống phá còn tìm cách kích động, đòi phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và phải sử dụng các lý thuyết, trường phái kinh tế học mới của chủ nghĩa tư bản để tránh được sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào vận hành của nền kinh tế thị trường, tránh được sự can thiệp của chính trị vào kinh tế. Chúng lớn tiếng rằng, không có khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà dân chủ là giống nhau; dân chủ là phi chính trị, phi giai cấp, không đảng phái và chỉ có đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ, mới có tự do tranh cử… (?!).

Nhìn vào nội dung, luận điệu xuyên tạc cũng như những đòi hỏi của các thế lực thù địch, phản động trong việc chống phá Đổi mới chính trị tại nước ta thấy rất rõ những toan tính thâm hiểm đằng sau. Đó là phủ nhận thành tựu Đổi mới chính trị, cũng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, núp dưới chiêu bài đòi Đổi mới chính trị, song thực chất là đòi thay đổi chế độ tại nước ta.

Thất bại mọi toan tính phủ nhận thành tựu Đổi mới chính trị ở nước ta

Đổi mới chính trị là một tiến trình liên tục nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Trong tiến trình đó, với những thành tựu đạt được có thể khẳng định, Đổi mới chính trị ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trực tiếp là cơ sở rất quan trọng để đất nước có được bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay mà theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/ 3-2-2020) là: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”.

Đảng ta đã kiến tạo một hệ thống lý luận chính trị khá hoàn chỉnh, lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những nguồn gốc của những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của nước ta. Trong đó, một trong những thành tựu Đổi mới chính trị quan trọng là Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những chủ trương và giải pháp của Đảng theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, qua thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn con đường đã chọn.

Những nội dung lý luận chính trị cơ bản góp phần hoạch định các quyết sách chính trị của Đảng trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn, nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được củng cố, bổ sung và phát triển, là cơ sở quan trọng để hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng một cách đúng đắn.

Trên cơ sở của hệ thống lý luận đó, hệ thống tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể hiện trên thực tế là tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh phù hợp hơn.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới. Chúng ta đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình công tác để thực hiện, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt chất lượng và hiệu quả hoạt động. Chính phủ và các bộ tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng.

Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện một bước quan trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực, rõ nét. Những kết quả tích cực đó tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, mở rộng hơn, người dân được thông tin, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị. Quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, được tôn trọng và phát huy ngày càng tốt hơn.

Những thành tựu Đổi mới chính trị tại Việt Nam là không thể bác bỏ, phủ nhận. Toan tính phủ nhận thành tựu này nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta vì thế đã thất bại hoàn toàn.