Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: Bình đẳng một chiều

ANTĐ - Phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam đang lên như diều gặp gió. Hầu hết các văn bản pháp luật đều kèm các điều khoản tạo điều kiện cho phụ nữ. Tuy nhiên, thành lũy gia đình lại là nơi khó lay chuyển nhất. 
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: Bình đẳng một chiều ảnh 1

Khư khư giữ “quyền lợi”

Anh Nguyễn Tuấn Tài (Hoàng Mai, Hà Nội) có nhiều năm công tác ở Nga. Ngồi ở quán bia với bạn bè, anh thường chém gió về những vấn đề vĩ mô như suy thoái kinh tế, trái đất nóng lên… Anh Tài cũng luôn tỏ ra là người cấp tiến, cởi mở, thích những chị em có chí cầu tiến, vươn lên, không lệ thuộc đàn ông. Rồi anh phàn nàn về chuyện vợ anh chỉ biết làm việc ở cơ quan rồi về nhà loanh quanh nội trợ, chẳng biết đến tin tức bên ngoài, lại an phận thủ thường làm một nhân viên văn phòng, không biết tranh thủ cơ hội để thăng tiến. “Mình nói chuyện với cô ấy cứ như đối thoại với bức tường. Được dăm câu vợ lại bảo: “Em phải đi xem nồi canh nấu dở” hoặc “chết, quần áo em chưa phơi”. Mất hết cả hứng! Cho nên tôi cứ phải la cà ở quán bia” - anh Tài chán nản. 

Hai người bạn nói anh la cà quán xá suốt ngày thì vợ lấy đâu thời gian mà phấn đấu, anh Tài càng gay gắt: “Việc đi đón con, tắm táp cho con “giúp vợ” cũng đơn giản, nhưng không thể làm thường xuyên được, vì như vậy, vợ sẽ coi đó là việc của chồng, sẽ ỉ lại, lười nhác”. Anh nhìn nhận bình đẳng giới sẽ không bao giờ đạt được vì chẳng đàn ông nào chịu “nhả” quyền lợi: sau giờ làm đi bù khú với bạn, nếu về sớm chỉ để nằm khểnh trên sô-pha xem ti vi hoặc chơi game. Còn việc nhà, việc chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già là chuyện của vợ. “Giống như một đứa trẻ giữ đồ chơi của mình vậy, có thể cho mượn một lúc, chứ không thể cho” – anh Tài ví von. 

GS-TS Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và phát triển khẳng định, phong trào bình đẳng giới còn lâu mới đạt được mục tiêu nếu đàn ông tiếp tục cố thủ trong thành lũy gia trưởng. Nếu phụ nữ vẫn đơn độc với trách nhiệm chăm sóc gia đình thì chị em chỉ chịu áp lực nhiều hơn mà thôi. Ai cũng chỉ có 24h, sức lực có hạn, không dễ gì “đảm việc nước, giỏi việc nhà” - TS Quý nhấn mạnh. 

Đàn ông thua thiệt

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ - Hạnh phúc) cho rằng, nếu đàn ông Việt không thay đổi, tiếp tục gia trưởng, lười nhác thì chính họ sẽ chịu thiệt. “Không ít phụ nữ đã ly hôn người chồng gia trưởng, bạo lực, phách lối vì họ thực sự muốn một người bạn, cùng nắm tay họ đi hết cuộc đời” - bà Túy cho biết. Trước đó, một phụ nữ ngoài 30 tuổi tâm sự đang có cuộc sống gia đình êm ấm theo con mắt của mọi người. Chồng chị 40 tuổi, là trưởng phòng một công ty lớn, kiếm được tiền. Còn chị là trợ lý cho một chuyên gia người Nga, tiền kiếm cũng tương đương. Nhưng về nhà, chị phải tất bật đưa đón con đi học, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, rồi lại mòn mỏi bên mâm cơm đợi chồng say mèm trở về. Nhưng nếu không đợi, chồng sẽ mắng chị “không biết làm vợ”. Áo sơ mi chị là nếu chỉ vướng nếp nhăn, chồng cũng mè nheo, khích bác. Ngay cả chuyện tình dục, chồng chị cũng chỉ hùng hục giải quyết nhu cầu cá nhân, rồi quay lưng nằm ngủ, không thèm để tâm xem chị thế nào. Trong khi đó, chuyên gia người Nga lại vô cùng tâm lý, đối xử ấm áp với chị. Khi chị cảm cúm, anh mua thuốc, pha trà gừng cho chị uống. Anh tự tay nấu những món ăn Nga đưa đến cơ quan cho chị nếm. Cho dù có tình cảm với chị nhưng anh không hề có cử chỉ vượt giới hạn, còn dự định nhập quốc tịch Việt Nam để sống gần chị. “Sự trân trọng của anh ấy khiến tôi cảm thấy sống có ý nghĩa hơn và càng đau lòng về người chồng chỉ coi tôi như quản gia, như công cụ tình dục, cái máy đẻ” – chị tâm sự. Chị quyết định ly hôn trước sự ngỡ ngàng của người chồng. Nhưng thay vì nhận ra lỗi lầm, anh lại chửi mắng chị là lăng loàn, đú đởn, dửng mỡ “sướng mà không biết sướng”. 

“Một người phụ nữ hiện đại, thông minh, độc lập sẽ không chịu làm cái bóng mờ nhạt trong gia đình, cũng khó chấp nhận một người chồng gia trưởng, áp đặt, không tôn trọng ý kiến của vợ. Họ cũng chẳng thể vui với người chồng an phận, thiếu ý chí tiến thủ, lười bồi dưỡng tâm hồn và chỉ vui với nhậu nhẹt, cờ bạc. Các chàng trai Việt nếu như đang quen với việc được đề cao, nâng niu, chiều chuộng, được coi là giới “thống trị”, vợ phải luôn thuần phục chồng từ lúc trẻ đến khi già thì nên cảnh tỉnh” - bà Lê Thị Túy khẳng định. 

Nhà văn Trang Hạ cũng nhận định, gia đình kiểu “chồng chúa vợ tôi” là một bi kịch. Bên cạnh người vợ đảm đang là một ông chồng ăn bám. Cho nên, đàn ông mà không biết cách mang lại yêu thương cho vợ, thì chỉ có mất, chẳng có được. Theo nhà văn Trang Hạ, thay vì ngồi vạch tội lẫn nhau, vợ chồng nên ngồi lại để tìm cách thu xếp công việc và thỏa hiệp với nhau, giúp đỡ nhau cùng nỗ lực trong công việc nhà. Mỗi ngày thay đổi một chút, cùng góp sức một chút thì người vợ sẽ bớt hậm hực, người chồng cũng tận tâm hơn, các rắc rối gia đình sẽ bớt đi. 

“Muốn chồng thay đổi trước tiên vợ phải thay đổi. Hãy trò chuyện với nhau nhiều hơn để biết vợ (chồng) thích gì, cần gì. Hãy yêu cầu chồng làm việc nhà một cách nhẹ nhàng và hóm hỉnh. Nếu như ra lệnh, đưa tối hậu thư thì người chồng sẽ chỉ “nghe” được sự khó chịu, bực mình và không cảm thấy đó là trách nhiệm mà mình cần gánh vác. Hãy bỏ chổi quét nhà để đi uống bia với chồng (thỉnh thoảng) như một người bạn để biết tâm tư của chồng. Anh - ả hiểu nhau thì mọi chuyện sẽ dần được giải quyết” - nhà văn Trang Hạ.