Nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú ở Hà Nội giảm

ANTĐ - Kết quả đợt tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2013 của CATP Hà Nội cho thấy Hà Nội tăng số hộ nhưng giảm số nhân khẩu thuộc diện tỉnh ngoài đến tạm trú, kéo theo tổng số các dạng nhân khẩu chung của toàn thành phố giảm...

Công an Hà Nội hướng dẫn người tỉnh ngoài kê khai tạm trú

Nguyên nhân của sự tăng, giảm 

Tổng hợp của CATP Hà Nội tính đến 1-10-2013, toàn TP Hà Nội có 1.885.124 hộ, 7.270.623 nhân khẩu. So với tháng 10-2012, dân số Hà Nội tăng 50.403 hộ nhưng giảm 43.960 nhân khẩu thuộc diện người tỉnh ngoài đến tạm trú ở thành phố. Theo phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân sự tăng số hộ là do tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội cao. Bên cạnh đó, Luật Cư trú với những điều kiện thông thoáng mở rộng đăng ký thường trú vào thành phố đã thu hút số lượng lớn người có điều kiện ở các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội mua nhà, đăng ký hộ khẩu thường trú, sinh sống. Ngoài ra, số lượng hộ, nhân khẩu chuyển đến đăng ký thường trú do được phân nhà, mua nhà ở các khu chung cư, đô thị mới xây dựng ngày càng đông, hoặc các thành viên gia đình trong cùng một hộ khẩu đã tách hộ. 

Nguyên nhân của sự giảm nhân khẩu là do tình hình suy thoái kinh tế, từ năm 2012 đến nay, nhiều doanh nghiệp phải giải thể dẫn đến tình trạng các công nhân trong các khu công nghiệp mất việc làm. Ở các cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ do hoạt động đình đốn nên chủ cơ sở kinh doanh cũng cắt giảm nhân công; nhiều hộ gia đình ít khả năng kinh tế không thuê người giúp việc... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc số nhân khẩu tỉnh ngoài đến tạm trú trên địa bàn thành phố giảm. 

Biến động dân cư 

Tuy giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng so với những năm trước, tổng số nhân khẩu hiện nay ở Hà Nội vẫn đứng ở mức cao với bình quân mật độ dân số là 2.138 người/km2, tập trung nhiều ở các địa bàn nội thành. Trong đó, đông nhất vẫn là 4 quận: Đống Đa: 39.702 người/km2; Hai Bà Trưng: 34.136 người/km2; Hoàn Kiếm: 30.051 người/km2; và Ba Đình: 28.150 người/km2, thấp nhất là huyện Ba Vì với mật độ 650 người/km2. Điều này cho thấy dân số ở các quận, nhất là các quận cũ tiếp tục chịu sự quá tải, làm ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nhà ở, giao thông, y tế, trường học, tác động đến việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở Thủ đô. 

Kết quả đợt tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2013 cũng cho thấy, tình trạng người dân không ăn, ở thực tế đúng với nơi đăng ký hộ khẩu đang phát sinh nhiều, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do người dân mua nhà, đất chưa hợp pháp; ở nhờ, thuê nhà hoặc một số hộ có nhiều nhà trên địa bàn khác nhau, khi đến ở không làm thủ tục đăng ký thường trú. Mặt khác, có một số loại hộ, nhân khẩu tạm trú thường thay đổi chỗ ở, nơi làm việc; nhất là số nhân khẩu lao động tự do (chiếm 80%); học sinh, sinh viên các tỉnh về Hà Nội học tập (chiếm 30%), nhiều trường hợp lực lượng Công an đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ và các biện pháp quản lý thì số nhân khẩu này đã di chuyển đi nơi khác. 

Không chỉ thống kê số liệu dân cư, đợt tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu của CATP còn rà soát, thống kê một số lĩnh vực liên quan đến đời sống, việc làm của người dân; xác định các khu vực giáp ranh phức tạp về ANTT để lực lượng Công an chủ động xây dựng các biện pháp quản lý, không để hình thành các tụ điểm, điểm nóng phức tạp về TTATXH. Trên cơ sở xác định các khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng và thực trạng các căn hộ đang được sử dụng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội…lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với chính quyền cơ sở thực hiện các mô hình quản lý nhằm đảm bảo ANTT... 

Thông qua kiểm tra định kỳ hộ khẩu, CSKV đã kết hợp thu thập, bổ sung thông tin vào “Phiếu thu thập thông tin quản lý nhân khẩu” phục vụ xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu dùng chung CATP; giúp cho CATP, UBND thành phố và chính quyền các cấp nắm được thực trạng, tình hình số liệu hộ, nhân khẩu hiện cư trú; từ đó hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô.