Nhận diện và đánh chặn tội phạm trên không gian mạng (4): Luôn chú trọng yếu tố con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian ở nhà sử dụng Internet của người dân tăng lên và tội phạm mạng cũng tranh thủ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Dù gặp rất nhiều khó khăn, song với tinh thần kiên trì, cầu thị, CATP Hà Nội đã đấu tranh và khởi tố nhiều vụ án liên quan đến loại tội phạm nguy hiểm này.

Những ma trận ảo

Như các bài viết trước đã đề cập, tội phạm mạng với nhiều chiêu trò, đặc biệt là lừa đảo đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân về kinh tế, người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới hàng chục tỷ đồng. Thống kê sơ bộ của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) cho thấy, trong năm 2021 tội phạm lừa đảo trực tuyến khá phổ biến.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, giả danh các mối quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa trên mạng, tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ; đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo. Điển hình là tạo lập, quản trị các sàn giao dịch vàng, ngoại hối (forex) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thiết lập các trang mạng, các app giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng; lợi dụng hoạt động phòng chống dịch bệnh...

Trong khi thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, với sự hỗ trợ tuyệt đối của thiết bị thì lực lượng công an còn thiếu nhiều phương tiện kỹ thuật. Đặc biệt là các phương tiện, phần mềm chuyên dụng để khôi phục dữ liệu. Do đó để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng, bên cạnh thiết bị thì con người cũng là một giải pháp quan trọng, mỗi CBCS đều ý thức chủ động vừa làm, vừa mày mò và tự nâng cao, cập nhất kiến thức đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm của thời đại công nghệ 4.0.

Quá trình hoạt động lừa đảo, các đối tượng triệt để lợi dụng tính ẩn danh và tính xuyên biên giới trên không gian mạng, thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các loại tội phạm truyền thống như mua bán ma túy, gây rối trật tự công cộng, sử dụng và lưu hành tiền giả... cũng lợi dụng Internet để thực hiện hành vi phạm tội. Đã qua cái thời tội phạm ma túy liên lạc, gặp gỡ “một tay trao hàng, một tay nhận tiền” mà giờ đây, thông qua mạng xã hội, các đối tượng nhắn tin trao đổi rồi chuyển tiền qua tài khoản, ship “hàng” về tận tay người nhận rồi tiếp tục phân phối cho các đại lý. Các “ông trùm, bà trùm” không hề lộ mặt, nhưng các vụ mua bán trái phép chất ma túy vẫn diễn ra đầy nhức nhối.

Hay như vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vào tháng 8-2021 vừa qua, cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm đã khởi tố 19 bị can. Các đối tượng đều còn rất trẻ (thậm chí có đối tượng chưa đủ 16 tuổi) đã lợi dụng ứng dụng Messenger của Facebook hẹn nhau chuẩn bị hung khí để thanh toán đối thủ.

CBCS Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

CBCS Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

Gian nan chống tội phạm mạng

Thực tế cho thấy, tội phạm mạng đã manh nha xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm. Đánh giá, dự báo tình hình năm 2009, CATP Hà Nội đã đề xuất Bộ Công an thành lập Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Và đến năm 2013, Phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đầu tiên của lực lượng công an chính thức ra đời.

Mặc dù vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mạng không hề đơn giản bởi sự gia tăng và phát triển chóng mặt của công nghệ. Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, hoạt động của các đối tượng chủ yếu qua ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, có khả năng hoạt động xuyên biên giới nhằm tránh sự truy quét của cơ quan công an. Các đối tượng có kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và phân tán nhiều nơi. Chúng có thể dễ dàng tiêu hủy thông tin khiến công tác xác minh thông tin không hề đơn giản.

Dẫn giải các đối tượng tổ chức hoạt động sàn forex lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam

Dẫn giải các đối tượng tổ chức hoạt động sàn forex lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam

“Nhận thức của đại đa số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị về bảo vệ an ninh mạng còn hạn chế, mất cảnh giác, chưa thích ứng được với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các thủ đoạn mới của tội phạm. Phần lớn các bị hại không nhận thức được về hành vi phạm tội của đối tượng nên khai báo, tố giác chậm trễ, dẫn đến hiệu quả ngăn chặn hành vi phạm tội và thu hồi tài sản rất thấp. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp thương mại điện tử, công ty trung gian các thanh toán có liên quan còn chưa hợp tác với cơ quan công an, chậm trễ trong quá trình cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra xác minh” - Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội nhận xét.

Đồng quan điểm trên, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cũng nhìn nhận một thực tế, trong khi thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, với sự hỗ trợ tuyệt đối của thiết bị thì lực lượng công an còn thiếu nhiều phương tiện kỹ thuật. Đặc biệt là các phương tiện, phần mềm chuyên dụng để khôi phục dữ liệu.

Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Vũ Đình Hùng, tổ chức hoạt động sàn forex lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Vũ Đình Hùng, tổ chức hoạt động sàn forex lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Giải pháp cho “cuộc chiến”

Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng là thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo 2 hướng kỹ thuật và dòng tiền. Khi biết đường đi của dòng tiền đối tượng sử dụng thì sẽ biết đích đến. Để làm được điều này, cơ quan công an cần sự phối hợp của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán...

Giai đoạn hiện nay cần tập trung vào các sàn giao dịch forex, thủ đoạn đánh bạc theo hệ nhị phân BO, các ứng dụng vay tiền qua app. Cơ quan công an cũng cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, tin báo, tố giác. Xây dựng cơ chế thông tin báo cáo, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng. Chú trọng nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là điểu tra cơ bản, từ đó nâng cao chất lượng công tác phát hiện và đấu tranh, triệt phá.

“Thực tế hiện nay, công tác đào tạo cán bộ chuyên trách đấu tranh với tội phạm mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng mới đang ở giai đoạn bắt đầu. Học viện An ninh nhân dân là cơ sở giáo dục có Khoa An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhưng cũng mới chỉ triển khai được 2 khóa, chưa có sinh viên tốt nghiệp ra trường. Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2011 cũng có Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhưng đến năm 2020 theo mô hình tổ chức mới đã tạm dừng đào tạo. Hầu hết cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đều từ ở các lĩnh vực khác, thiếu nền tảng lý luận về phòng chống tội phạm mạng” - Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy cho hay. Do đó để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng, bên cạnh thiết bị thì con người cũng là một giải pháp quan trọng, mỗi CBCS đều ý thức chủ động vừa làm, vừa mày mò và tự nâng cao, cập nhất kiến thức đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm của thời đại công nghệ 4.0.

(Còn nữa)