Nghị quyết số 18 của Đảng ủy CATP Hà Nội về “Tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong Công an thành phố Hà Nội”

Nhận diện một số hành vi lệch chuẩn, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử, góp phần phòng ngừa sai phạm trong lực lượng Công an Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

1. Công an Thủ đô và cơ sở pháp lý phòng ngừa sai phạm trong giao tiếp, ứng xử

Thủ đô Hà Nội là trung tâm về chính trị, lịch sử, văn hóa, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Trước vai trò đặc biệt như vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ CATP Hà Nội phải là người tiêu biểu về văn hóa, tư duy, trí tuệ, tiêu biểu về lối sống, nếp sống văn minh, thanh lịch để xứng đáng với truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Công an Hà Nội tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh cán bộ, chiến sĩ sai phạm là tạo nên sức mạnh của tổ chức (Ảnh: Đinh Kim Hải)

Công an Hà Nội tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh cán bộ, chiến sĩ sai phạm là tạo nên sức mạnh của tổ chức (Ảnh: Đinh Kim Hải)

Và nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những sai phạm còn tồn tại trong lực lượng Công an, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày16-3-2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 02/VBHN-BCA ngày 30-10-2015 Quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân; Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22-8-2017 Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.

Đối với riêng lực lượng CATP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số18-NĐ/ĐUCA ngày 6-4-2023 của Đảng ủy Công an thành phố về tăng cường quản lý phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong CATP Hà Nội. Với quan điểm chỉ đạo “tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh cán bộ, chiến sĩ sai phạm là tạo nên sức mạnh của tổ chức...”; “Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu”; “Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách; giữa “xử lý” và “sử dụng”, trong đó coi trọng vấn đề sử dụng...”. “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội kết hợp thực hiện các văn bản pháp luật của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội về văn hóa, giao tiếp, ứng xử. Ví dụ như Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 ban hành năm 2021 do Bí thư Thành ủy Hà Nội ban hành; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử của Công an nhân dân trong CATP Hà Nội, hàng năm tổ chức rộng rãi Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”...

Cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô không ngừng học tập, lề lối tác phong làm việc hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật để ngăn ngừa các hành vi sai phạm có thể xảy ra (Ảnh: Đoàn Anh Huy)

Cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô không ngừng học tập, lề lối tác phong làm việc hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật để ngăn ngừa các hành vi sai phạm có thể xảy ra (Ảnh: Đoàn Anh Huy)

Thành công trong thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an thành phố có thể kể đến như:

Một là, trong công tác bồi dưỡng, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức.

- Phòng Cảnh sát Giao thông - CATP Hà Nội tổ chức 4 lớp tập huấn về phong cách người Công an nhân dân và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cho 1.400 cán bộ, chiến sĩ;

- Phòng Hồ sơ Nghiệp vụ - CATP Hà Nội tổ chức sưu tầm các loại sách, tài liệu về văn hóa, ứng xử, thành lập tủ sách chuyên đề “Văn hóa ứng xử Công an nhân dân” để cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu và học tập;

- Công an huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tọa đàm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”...

Công an Thủ đô luôn đổi mới tư duy và lề lối làm việc, sử dụng tinh thông, thành thạo công nghệ và trang bị kỹ năng, văn hóa số trong môi trường Chính phủ số - công dân số (Trong ảnh: Công an Hà Nội linh hoạt, sáng tạo trong việc dùng xe buýt đi cấp căn cước lưu động cho người dân trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát) (Ảnh: Đinh Tuấn Anh)

Công an Thủ đô luôn đổi mới tư duy và lề lối làm việc, sử dụng tinh thông, thành thạo công nghệ và trang bị kỹ năng, văn hóa số trong môi trường Chính phủ số - công dân số (Trong ảnh: Công an Hà Nội linh hoạt, sáng tạo trong việc dùng xe buýt đi cấp căn cước lưu động cho người dân trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát) (Ảnh: Đinh Tuấn Anh)

Hai là, cải tiến thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.

CATP Hà Nội là đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc về số lượng và tỷ lệ người nước ngoài được khai báo tạm trú qua mạng Internet - đạt 99,7%; Xây dựng, triển khai kênh tương tác trực tuyến (Cổng Thông tin điện tử CATP, trang Fanpage của CATP, Fanpage Facebook Tuổi trẻ Công an Thủ đô...); Triển khai “chiến dịch” thu nhận trên 6 triệu hồ sơ Căn cước công dân gắn chíp điện tử từ ngày 1-3-2021 đến ngày 30-4-2021, với phương châm: “Thần tốc, sáng tạo; phát huy cao độ các nguồn lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu”; Thực hiện mỗi ngày làm việc 15 giờ; phát động đợt thi đua đặc biệt để thực hiện thắng lợi “chiến dịch” thu nhận hồ sơ Căn cước công dân...

Công an nhân dân làm nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (Ảnh: Nguyễn Quốc Hùng)

Công an nhân dân làm nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (Ảnh: Nguyễn Quốc Hùng)

Ba là, Công an Thủ đô có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ anh dũng, quả cảm “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sống mãi trong lòng nhân dân.

Hình ảnh Đại úy Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng Cảnh sát giao thông đã không màng hiểm nguy, bám tường treo lơ lửng người trên không, giữa một mù khói lửa để tiếp cận và phá “chuồng cọp” cứu cả gia đình 5 người thoát nạn trong đám cháy;

Tấm gương anh dũng hy sinh của 3 Liệt sĩ - Thượng tá Đặng Anh Quân, Liệt sĩ - Thượng úy Đỗ Đức Việt, Liệt sĩ - Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy;

Liệt sĩ - Đại úy Phạm Công Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức;

Và trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa bàn thành phố Hà Nội phải thực hiện cách ly, trong lúc 1 sản phụ sắp sinh nguy cấp, đồng chí Nguyễn Đình Chiểu, cán bộ Công an phường Xuân Tảo đã nhanh chóng đưa sản phụ đến bệnh viện và sinh nở an toàn...

Đó những minh chứng khách quan, thuyết phục về tinh thần sống là làm việc theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của ngành của các cán bộ, chiến sĩ CATP Hà Nội.

2. Nhận diện hành vi sai phạm, lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô

Văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an nhân dân nói chung là hệ thống thái độ và hành vi của công an các đơn vị địa phương và cá nhân cán bộ, chiến sĩ công an được xác định để xử lý tốt nhất các mối quan hệ với tổ chức, cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, với môi trường tự nhiên và với chính bản thân mình trong thi hành công vụ, trong sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động giao tiếp khác, dựa trên các chuẩn mực xã hội về chính trị, pháp luật, đạo đức và văn hóa Việt Nam.

Về một số đặc điểm cơ bản trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của lực lượng Công an Thủ đô: Trước hết là, văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô thể hiện sự tuân thủ các yêu cầu về chính trị. Thứ hai, văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô thể hiện sự tuân thủ các chuẩn mực pháp luật, đạo đức và văn hóa, nghĩa là hành vi giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phù hợp, đáp ứng với các chuẩn mực xã hội đã được thiết lập - Đặc biệt là phù hợp với văn hóa Thủ đô Hà Nội. Thứ ba, văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô phản ánh phẩm chất nhân cách của người cán bộ, chiến sĩ thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với những người có liên quan, nó có tính bền vững, ổn định. Thứ tư, văn hóa giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô được xây dựng và phát triển dựa trên nền truyền thống văn hóa giao tiếp, ứng xử của dân tộc Việt Nam và được phát triển trên nền quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức và chủ nghĩa nhân đạo mới; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và tư cách người công an cách mạng; quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Từ đó có thể nhận diện, các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp ứng xử của lực lượng Công an nhân dân chính là lệch những đặc điểm trên.

Trong thời gian qua, Công an Thủ đô đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự trong lòng Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ còn sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo số liệu kỷ luật các năm gần đây trong CATP Hà Nội cho thấy xuất hiện một số sai phạm và phần nhiều là sai phạm về quy trình, quy định công tác (chiếm 32,7%). Trong đó xét về độ tuổi, 30 đến dưới 45 tuổi chiếm 57,6%; dưới 30 chiếm 32,4%; độ tuổi còn lại chiếm 10%. Và một số trường hợp xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử cụ thể như: việc một nguyên cán bộ Công an quận Đống Đa gây rối trật tự tại sân bay năm 2019; vụ việc một cán bộ Công an huyện Thanh Oai thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không tham gia giúp người dân bắt cướp năm 2021...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có thể xem xét nguyên nhân ở góc độ khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan: Do hệ thống các văn bản quy định về văn hóa, đạo đức trong thực thi nhiệm vụ của CATP Hà Nội chưa được cập nhật kịp thời trong tình hình mới; cán bộ, chiến sĩ chưa được quán triệt sâu sắc về văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, những tiêu chuẩn chung đối với một cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi giao tiếp trong môi trường làm việc; Số lượng công việc tương đối lớn nhưng biên chế được giao lại có hạn, cơ sở vật chất phục vụ còn thiếu và hạn chế; Cơ chế giám sát chưa đem lại hiệu quả cao; Trong bối cảnh tình hình mới, các đối tượng cũng hoạt động tinh vi và nguy hiểm, manh động hơn, khó lường, nhận thức pháp luật, văn hóa kém.

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan: Nhận thức của cán bộ, chiến sĩ chưa đúng tinh thần pháp luật, chưa ý thức rõ mình là “công bộc” của dân; Điều kiện kinh tế cán bộ, chiến sĩ khó khăn; Do chịu ảnh hưởng, tác động của một số văn hóa cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm “phép vua thua lệ làng”; tâm lý “quan trên” muốn tạo khoảng cách, cấp bậc thể hiện qua “phong cách lãnh đạo” cứng nhắc trong môi trường làm việc.

Trong suốt quá trình lịch sử, tổ chức lực lượng Công an nhân dân không ngừng được hoàn thiện theo hướng chính quy hóa (Ảnh: Lê Đức Hiền)

Trong suốt quá trình lịch sử, tổ chức lực lượng Công an nhân dân không ngừng được hoàn thiện theo hướng chính quy hóa (Ảnh: Lê Đức Hiền)

3. Giải pháp phòng ngừa sai phạm, chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô trong tình hình mới

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” và Nghị quyết số

15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”..., dự báo tình hình chính trị, an ninh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố tác động tới môi trường công tác, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô nói riêng và Công an nhân dân nói chung. Bám sát thực hiện Nghị quyết Đảng ủy CATP Hà Nội, mà tiêu biểu nhất và gần đây nhất là Nghị quyết số18-NĐ/ĐUCA ngày 6-4-2023 của Đảng ủy Công an thành phố về Tăng cường quản lý phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong CATP Hà Nội.

Chính vì vậy, yêu cầu chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Thủ đô cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng văn hóa người Hà Nội gắn với phát huy truyền thống, nâng cao đạo đức công vụ, phong cách người chiến sĩ Công an Thủ đô bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ. Cần phải khơi dậy trong mỗi cán bộ, chiến sĩ động lực, sự tự hào, trách nhiệm trong công tác, đi liền với đó “Danh dự là điều thiêng liêng nhất”.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng ở từng đơn vị trong công tác quản lý chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm. Để làm được điều đó không phải một sớm, một chiều mà cần phải cả một quá trình, với “nỗ lực phải lớn”, “quyết tâm phải cao”, “hành động phải quyết liệt”. Cần phải xác định rõ: “Cán bộ, chiến sĩ là chủ thể, là trung tâm, là đối tượng chăm lo”, xóa bỏ tình trạng “công thì lãnh đạo hưởng, tội thì cán bộ chịu” hoặc xử lý “trên nhẹ, dưới nặng”.

Ba là, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng 4.0, mỗi cấp lãnh đạo chỉ huy trong công an, mỗi người chiến sĩ Công an Thủ đô cần đổi mới tư duy và lề lối làm việc, bắt kịp với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sử dụng tinh thông, thành thạo công nghệ và trang bị kỹ năng, văn hóa số trong môi trường Chính phủ số - công dân số.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm. Để thực hiện được giải pháp này cần nắm được một số nội dung quan trọng như: Nội dung, biện pháp quản lý chung; Phát hiện, quản lý cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện sai phạm; Trách nhiệm quản lý, phát hiện cán bộ, chiến sĩ có các biểu hiện sai phạm.

Năm là, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương; siết chặt việc thực hiện các quy trình quy phạm và tuân thủ nghiêm pháp luật, Điều lệnh Công an nhân dân, các quy chế, quy định trong lực lượng. Giao việc, đôn đốc kết hợp với rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các cá nhân, tổ chức. Thực hiện xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng quy định các cán bộ, chiến sĩ sai phạm.

Sáu là, đặc biệt coi trọng các kênh nắm dư luận, thông tin từ nhân dân. Đây chính là giải pháp quan trọng góp phần phòng ngừa sai phạm, chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của Công an Thủ đô trong tình hình mới. Đặc biệt, đối với những lực lượng gắn bó mật thiết với nhân dân, thì càng cần phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Kính trọng, lễ phép với nhân dân không chỉ dừng lại ở lòng tôn trọng hay trong giao tiếp, ứng xử mà phải gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết được những trăn trở, bức xúc trong nhân dân, từ đó có những hành động, việc làm cụ thể. Tuyệt đối không để bức xúc của người dân từ hành vi lệch chuẩn của cán bộ, chiến sĩ nảy sinh thành vấn đề tiêu cực, hình ảnh tiêu cực lan rộng.

Bảy là, đảm bảo tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ; Kịp thời khuyến khích động viên những cán bộ, chiến sĩ nêu gương tốt, việc tốt, tuyên dương điển hình tiên tiến.

Tám là, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo tốt công tác quản lý cán bộ chặt chẽ chủ động phòng ngừa, và xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm. Và điều quan trọng nhất vẫn chính là tinh thần, ý thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố. Các cán bộ, chiến sĩ cần có tinh thần học tập cầu thị, lề lối tác phong làm việc hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật như vậy sẽ là giải pháp tối ưu nhất nhằm ngăn ngừa các hành vi sai phạm có thể xảy ra. Việc tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử Công an nhân dân, học tập làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đặc biệt trong tình hình mới, chuyển đổi số và cách mạng 4.0 là điều vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam quyết định văn hóa giao tiếp, ứng xử, tránh các hành vi lệch chuẩn và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Thủ đô...