Nhân chứng mới xuất hiện đúng dịp 60 năm vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thật khó tin khi biết rằng, gần 60 năm kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, dư luận lại biết đến một nhân chứng mới: Một nhân viên mật vụ, được giao nhiệm vụ bảo vệ Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và có mặt ngay trong vụ ám sát. Xét cho cùng, đây vẫn là một trong những sự kiện được tranh luận nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đặc vụ Paul Landis (khoanh tròn) đứng trên xe bảo vệ ngay trước xe mui trần chở Tổng thống John F. Kennedy lúc nhà lãnh đạo bị ám sát

Đặc vụ Paul Landis (khoanh tròn) đứng trên xe bảo vệ ngay trước xe mui trần chở Tổng thống John F. Kennedy lúc nhà lãnh đạo bị ám sát

Hơn nửa thế kỷ mới lên tiếng

Đó là cựu đặc vụ Paul Landis, người chia sẻ những hồi ức trong cuốn hồi ký mới có tựa đề “Nhân chứng cuối cùng” dự kiến xuất bản vào tháng 10 tới (1 tháng trước dịp kỷ niệm 60 năm vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy). Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình CNN hôm 12-9, ông Landis (năm nay 88 tuổi) cho biết chính mình đã lấy được 1 viên đạn từ chiếc limousine chở gia đình Tổng thống Kennedy hôm xảy ra vụ ám sát. Sau đó, nhân viên mật vụ trẻ đã đặt viên đạn trong phòng điều trị của Tổng thống tại Bệnh viện Parkland Memorial. Theo như mô tả, khung cảnh khi đó vô cùng hỗn loạn và trong tích tắc ông quyết định lấy viên đạn ra khỏi chiếc xe limousine rồi đặt nó bên cạnh Tổng thống. “Tôi nghĩ, đó là cơ hội và là nơi hoàn hảo để để lại viên đạn, vì nó là một bằng chứng quan trọng”.

Giải thích lý do tại sao không nói với những người giám sát về viên đạn vào thời điểm đó hoặc trong nhiều thập kỷ qua, cựu đặc vụ cho biết: “Mọi thứ đều khá căng thẳng đối với tất cả các đặc vụ. Tôi bảo vệ bà Kennedy. Tôi chỉ sợ mình sẽ bất tỉnh lúc đó”. Đáng nói, cựu đặc vụ này chưa bao giờ được người của Ủy ban Warren (Ủy ban đặc biệt của Hạ viện về các vụ ám sát) thẩm vấn. Ông Landis cho rằng, nếu bị thẩm vấn, ông có thể sẽ suy sụp “và trở thành nỗi xấu hổ cho Sở Mật vụ”. Bị ám ảnh bởi trải nghiệm của mình, ông Landis rời Sở Mật vụ chưa đầy 1 năm sau vụ ám sát.

Ông Farris Rookstool III từng là nhà phân tích của Cục Điều tra Liên bang Mỹ và đã xem xét nhiều tài liệu về vụ ám sát ông Kennedy cho biết, thông tin vừa được cựu đặc vụ Landis tiết lộ không thay đổi kết luận cơ bản trong nhiều báo cáo và các cuộc điều tra toàn diện của Chính phủ Mỹ. “Vấn đề là tất cả những điều này không thay đổi được sự thật cơ bản là 3 phát súng đã được bắn từ góc Đông Nam của Kho lưu trữ sách trường học Texas… bằng súng trường của Lee Harvey Oswald” - ông Rookstool nói.

Tuy nhiên, chi tiết về viên đạn mà ông Landis nhặt được tại hiện trường gần thi thể của Tổng thống Kennedy khiến dư luận nghi ngờ giả thuyết về “viên đạn ma thuật” tồn tại nhiều năm nay. Kết luận của Ủy ban Warren vào năm 1979 cho rằng, thủ phạm Oswald đã bắn 3 phát súng, trong đó 2 phát bắn trúng ông Kennedy. Đáng chú ý, “viên đạn ma thuật” không những bắn trúng Tổng thống Kennedy mà còn làm bị thương Thống đốc Texas lúc bấy giờ là John Connally. Theo Ủy ban Warren, viên đạn được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn khi nó rơi xuống sàn cạnh chiếc cáng đặt ông Connally. Vậy viên đạn mà cựu đặc vụ Landis nhặt được là viên đạn nào? “Lời kể của ông Landis cho thấy đây là một câu hỏi mở và chúng tôi thực sự cần một lời giải thích rõ ràng hơn về những gì đã xảy ra vào ngày 22-11-1963” - ông Jefferson Morley, người biên tập bản tin JFK Facts nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong hồ sơ chính thức về vụ ám sát Kennedy, nhận định.

Từ trái sang: Tổng thống John F. Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy; tay súng Lee Harvey Oswald bị dẫn giải; cựu đặc vụ Paul Landis - người mới tiết lộ chi tiết mới về vụ ám sát Tổng thống Kennedy năm 1963

Từ trái sang: Tổng thống John F. Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy; tay súng Lee Harvey Oswald bị dẫn giải; cựu đặc vụ Paul Landis - người mới tiết lộ chi tiết mới về vụ ám sát Tổng thống Kennedy năm 1963

Bí mật không thể giải mật?

Liên quan đến tư liệu của vụ án, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ đã nhận được báo cáo về vụ việc của Ủy ban Warren, bản báo cáo mà hầu hết mọi người hiện nay đều cảm thấy chưa đầy đủ và vội vàng. Cuộc điều tra của Ủy ban Warren không loại trừ khả năng có 1 tay súng khác, nhưng không chỉ ra bất kỳ nghi phạm nào. Ủy ban nhận thấy không có bằng chứng nào cho thấy Cuba, mafia hay Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) có liên quan.

Bất chấp lời hứa của nhiều đời Tổng thống và đạo luật được Quốc hội thông qua năm 1992, CIA, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục giữ bí mật những tài liệu mà họ từ chối công bố. Mặc dù luật năm 1992 được thông qua trong nỗ lực xây dựng uy tín và giảm bớt bí mật, nhưng báo cáo năm 1998 của một ủy ban đặc biệt được thành lập tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ cho thấy, vẫn có những đấu tranh nội bộ để thúc đẩy tính minh bạch hơn. Ngay như các tài liệu mới được công bố vào tháng 8-2023, cũng như nhiều tài liệu được công bố gần đây, chúng vẫn được biên tập lại hay có kiểu sắp chữ cực kỳ khó hoặc không thể đọc được.

Trong khi 2 chính quyền Tổng thống gần nhất là ông Joe Biden và Donald Trump đều công bố hàng chục nghìn tài liệu có liên quan, họ lại cho phép giấu kín những tài liệu khác. Tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan viết ra lời giải thích lý do tại sao tài liệu nên được giấu kín. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà chức trách không muốn tiết lộ về người cung cấp tin mật vẫn còn sống hoặc có thể còn sống cùng phương án bảo vệ. CIA cho biết, họ sẽ đợi cho đến khi người chết hoặc được cho là đã chết đến 100 tuổi mới công bố thông tin. Kết quả là, hàng nghìn tài liệu mật như thế được thống kê trong một chỉ mục dài 118 trang.

Nhân viên mật vụ Paul Landis (đứng trước, đeo kính) được giao nhiệm vụ bảo vệ Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy trong sự kiện diễn ra ngày 22-11-1963, ngày Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát

Nhân viên mật vụ Paul Landis (đứng trước, đeo kính) được giao nhiệm vụ bảo vệ Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy trong sự kiện diễn ra ngày 22-11-1963, ngày Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát

Mối hoài nghi còn để ngỏ

Giới sử học cho rằng, việc che giấu thông tin vì lý do an ninh quốc gia hay an toàn của nhân chứng là một kiểu “che đậy lành tính”. Nhưng nhà sử học Larry Sabato của Đại học Virginia (là người nghiền ngẫm các tài liệu được công bố trong những năm gần đây) cho biết, một số tài liệu cho thấy những nghi ngờ ngay cả trong nội bộ CIA về câu chuyện chính thức. Nhiều câu hỏi xoay quanh chuyến đi của Oswald tới thành phố Mexico vài tuần trước vụ ám sát. Dưới sự giám sát của CIA, anh ta đã đến thăm Đại sứ quán Cuba và Liên Xô tại Mexico và dường như cố gắng xin thị thực để trốn khỏi Mỹ.

Sau khi theo dõi cuộc phỏng vấn Landis và luôn hiểu rằng CIA vẫn giữ các tài liệu mật, nhà sử học Larry Sabato cho biết: “Bất chấp mọi thứ, tôi vẫn tin rằng Oswald là tay súng đơn độc. Khi nói mọi thứ, ý tôi là những điểm bất cập của Báo cáo Warren, việc FBI thừa nhận đã tiêu hủy các bằng chứng quan trọng, những thông tin sai sự thật của CIA về Oswald cũng như việc cơ quan này từ chối công bố tất cả các tài liệu về vụ ám sát JFK…”. Ông Sabato ước gì Ủy ban Warren đã phỏng vấn đặc vụ Landis và những người khác vào năm 1963 thay vì chỉ chấp nhận các thông tin mà không kiểm tra chéo. “Đã có quá nhiều giả thuyết về vụ việc này mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet. Điều đó nói lên rằng, tại sao mọi người không tin vào kết quả của Ủy ban Warren” - nhà sử học này tuyên bố.

Ông Sabato cũng đưa ra quan điểm xâu chuỗi nhiều sự việc, không chỉ vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy: “Chính phủ của chúng ta và các cơ quan hàng đầu đã cho mọi người rất nhiều lý do để nghi ngờ về những gì họ nói về vụ sát hại Kennedy. Năm 1963, chúng tôi lắng nghe nhiều thứ từ chính quyền. Nhưng hiện giờ, sau những sự kiện như vụ bê bối Watergate, vụ khủng bố 11-9, chiến trường Afghanistan, Iraq và hàng nghìn thứ khác…, liệu ai là người có lỗi khi mọi người không tin những gì Ủy ban Warren tung ra?”.