Nhà 'ống' nằm trong ngõ nhỏ và những cảnh báo không bao giờ thừa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng trên 500.000 loại hình nhà dạng kiến trúc hình ống, trong đó phần lớn vị trí nằm trong ngõ nhỏ, ngõ sâu xe chữa cháy không tiếp cận được.
Một vụ cháy nhà "ống" gây hậu quả nghiêm trọng

Một vụ cháy nhà "ống" gây hậu quả nghiêm trọng

Tiềm ẩn nguy cơ cháy cao

Nói như vậy không có nghĩa là hiểm họa cháy nổ chỉ xảy ra ở dạng nhà "ống", mà loại hình công trình nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu như không tuân thủ quy định an toàn PCCC.

Thế nhưng, phần lớn rủi ro xảy ra cháy đối với loại hình nhà này dễ dẫn đến hậu quả thiệt hại về người và tài sản.

Khi xảy ra hỏa hoạn ở tầng thấp, thông thường khói và lửa sẽ nhanh chóng bao trùm và hút lên các tầng theo lối cầu thang, giếng trời. Trong khi đó mặt tiền ngôi nhà thường bị bịt kín với nhiều lý do chống trộm, nếu nhà ống mặt phố thì đặt tấm quảng cáo… Đây là lý do khi không may xảy cháy đã nhanh chóng nung nóng và dẫn đến nguy hiểm khôn lường cho người mặc kẹt phía trong nhà.

Điển hình vụ cháy rạng sáng 8-7, tại ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội khiến 3 người tử vong. Được biết, quy mô khu vực xảy ra cháy là dạng nhà "ống" để ở và kết hợp kinh doanh dịch vụ làm móng chân, móng tay, có chiều cao 6 tầng, 1 tum.

Trước đó, sáng 13-5, tại phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông đã xảy ra vụ cháy nhà "ống" khiến 4 bà cháu tử vong...

Điều đáng nói, hầu hết các vụ cháy có thiệt hại về người thường xảy ra vào sáng sớm hoặc khuya. Đây là thời điểm mà người dân đang ngủ say nên khi phát hiện thường rất muộn nên hậu quả khôn lường.

Phân tích về nguyên nhân thời điểm xảy hỏa hoạn, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho hay: “Một số thiết bị điện do chủ nhân cắm từ tối đến sáng một thời gian dài đã “no” điện nhưng không rút ra, khi nguồn điện về gần sáng thường mạnh hơn bởi cơ sở sản xuất, nhà xưởng giảm ca, giảm giờ lao động. Do đó khi thiết bị điện kém chất lượng hoặc quá "tuổi thọ" đã dẫn đến chập cháy, và khi cháy có chất liệu vải, vóc, chăn, màn nên dẫn đến cháy lan, cháy lớn”.

Tự nâng cao ý thức chấp hành PCCC

Trên toàn thành phố đã và đang triển khai chiến dịch an toàn PCCC đến tận khu dân cư, tổ dân phố. Đó là mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng. Đây là mô hình được lan tỏa, triển khai đến từng con ngõ của khu dân cư, tạo thế trận toàn dân an toàn PCCC ở cơ sở. Trước đó, để đảm bảo an toàn cháy, nổ, vì sự an toàn của người dân, CATP Hà Nội đã triển khai hiệu quả chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân tự mở lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà của mình. Tất cả các mô hình đã và đang đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả trong đời sống sinh hoạt.

Tuy nhiên, có một thực tế, dạng nhà "ống" ở đô thị đang là thực trang rất khó giải quyết triệt để về tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Những căn nhà xây lâu, cũ kỹ đã xuống cấp, thiết bị điện kém chất lượng, chủ nhân không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên nên chập cháy dễ xảy ra.

Ngôi nhà ống xảy cháy tại ngõ Thổ Qun, quận Đống Đa

Ngôi nhà ống xảy cháy tại ngõ Thổ Qun, quận Đống Đa

Hiểm họa hiện hữu hiện nay là thực trạng nhà ở trong đô thị lại biến thành kho hàng, ở và kết hợp kinh doanh. Đó là một trong những nguyên nhân khi xảy cháy thường cháy lan nhanh và cháy lớn. Trong khi đó khả năng ứng phó với cháy nổ của người dân rất kém, thậm chí chủ quan, lơ là. Với thói quen sinh hoạt của người dân, thông thường sử dụng thiết bị điện như xe đạp điện, điện thoại, đồ tích điện… chủ yếu cắm sạc để từ tối qua đêm. Đây là hiểm họa mà rất hay xảy ra cháy, nổ.

Vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà "ống" 4 tầng ở ngõ 125 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình vào 5h30 ngày 17-5 chỉ xuất phát từ nguyên nhân sạc điện thoại qua đêm. Không có gì đáng nói nếu như chủ nhân sạc để ở nơi không có vật liệu cháy, đằng này sau khi cắm điện đã để trên đống quần áo và hậu quả đã xảy ra. Rất may mắn vụ cháy đã không thiệt hại về người do cả 5 người trong gia đình được huấn luyện, trang bị kỹ năng thoát nạn nên đã an toàn sau khi trèo qua ban công của nhà lân cận.

Cho đến thời điểm này, CATP đã chủ động nhiều biện pháp an toàn PCCC cho người dân, trong đó việc trang bị cho người dân kiến thức phòng cháy chữa cháy và xây dựng các tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng, các khu tập thể an toàn phòng cháy chữa cháy để toàn dân cùng tham gia phong trào phòng cháy chữa cháy như hiện nay vẫn là giải pháp căn cơ.

Đồng thời, để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, CATP đã có nhiều chuyên đề tuyên truyền, khuyến cáo đối với loại hình nhà ống. Nhưng rất cần, cùng với sự cố gắng, chủ động của lực lượng chức năng, mỗi người dân phải luôn nêu cao ý thức phòng ngừa "giặc lửa"...