Nhà nước kiểu mới

ANTĐ - “Tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ Việt Nam” là tên của cuộc hội thảo vừa diễn ra do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Tổ chức Quản lý chuyên nghiệp được tài trợ bởi Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tiến hành nhằm góp ý kiến về định hướng đổi mới và hoàn thiện bộ máy Chính phủ mới.

Cuộc hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu về nâng cao năng lực quản lý nhà nước thực hiện từ cuối năm 2010 đến tháng 6-2011. Nội dung cốt lõi là phải xây dựng được bộ máy nhà nước kiểu mới, phù hợp với kinh tế thị trường và sự phát triển xã hội.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) nhận xét, công cuộc cải cách hành chính nhà nước đã được khởi động hơn 10 năm, nhưng đến nay bộ máy hành chính vẫn còn nhiều vấn đề chưa được đổi mới. Chức năng, nhiệm vụ của bộ máy vẫn còn rất nhiều, rất nặng, đang làm thay nhiều việc của thị trường và của xã hội. Bộ máy chưa tinh gọn, chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như giữa Trung ương và địa phương.

Tính thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính chưa được đảm bảo, còn bị “cắt khúc”, thiếu ăn khớp cả theo chiều dọc và chiều ngang. Từ đó, vai trò trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và từng thành viên trong bộ máy hành chính các cấp chưa được xác định rõ. Những hạn chế này đang là một lực cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trưởng ban Thể chế kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cải cách Nhà nước không chỉ theo đuổi mục tiêu sửa chữa khuyết tật của thị trường, quan trọng hơn là phải nghiên cứu và phân tích rõ các khuyết tật của nhà nước, qua đó tìm ra những giải pháp tương ứng.

Theo kết quả nghiên cứu, có 6 nguyên nhân chính gây ra những khuyết tật cần khắc phục. Đó là do chủ nghĩa vị kỷ trong tư duy và hành động của một số nhà hoạch định chính sách, khiến họ luôn hướng về lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, gây khó khăn cho đa số trong xã hội. Tiếp đó là tư duy nhiệm kỳ khiến cho lợi ích dài hạn thường bị hy sinh để lấy lợi ích ngắn hạn. Tính phức tạp của thị trường gây khó khăn cho việc dự báo và kế hoạch. Việc dự báo sai lệch có thể dẫn tới những quyết định sai trong việc điều phối các hoạt động kinh tế - xã hội. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần thu hẹp phạm vi hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tạo dư địa cần thiết để các thành phần kinh tế khác có cơ hội phát triển.

Nguyên nhân cuối cùng là những quyết định mang tính chủ quan, mệnh lệnh hành chính dễ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Sau 10 năm thực hiện Chương trình Tổng thể cải cách hành chính, tổng số các cơ quan Chính phủ đã giảm từ 48 xuống còn 30, bao gồm 22 cơ quan bộ và ngang bộ. Tuy nhiên, nhóm tác giả nghiên cứu nhận xét, bộ máy Chính phủ vẫn còn “đồ sộ”, hiện số lượng cán bộ trong bộ máy quản lý ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ gần như tới trên 1.000 người. Đóng góp ý kiến cho định hướng đổi mới của bộ máy Chính phủ, nguyên Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam thẳng thắn nói: “Nhà nước không nên làm những gì mà xã hội và tư nhân làm được. Chính phủ không nên làm những gì mà địa phương có thể làm tốt hơn”. Đồng quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế nhấn mạnh, đây là nguyên tắc rất đáng quan tâm trong quá trình phân cấp ở nước ta.

Nhà nước kiểu mới, thực ra không phải là mới trên thế giới. Ở nước ta cần phải xác định lại chức năng và vai trò của Nhà nước, của Chính phủ khi đổi mới cơ chế. Theo đó, phải tách 3 thứ ra khỏi quản lý hành chính: doanh nghiệp, dịch vụ công (y tế, giáo dục…) và tách tài sản vốn của Nhà nước.