Nguy cơ từ việc “tẩy chay” trong học sinh

ANTĐ - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, em Lê Thu Thanh - học sinh THCS ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình em trước ở Thái Bình, mới chuyển lên Hà Nội sinh sống. Để sớm thích nghi với môi trường mới nên em luôn cố gắng hòa đồng với các bạn trong lớp. Tuy vậy, hầu hết các bạn đều xa lánh khiến em rất đơn độc, không muốn đến trường nữa”…

Nguy cơ từ việc “tẩy chay” trong học sinh ảnh 1Hòa đồng giúp học sinh thêm gắn bó và gần gũi nhau hơn

Hoảng loạn vì bị tẩy chay

Cũng theo Lê Thu Thanh, do trước đây em học trường chuyên nên lực học khá. Từ khi chuyển về trường mới, Thanh được cô chủ nhiệm quan tâm, thường xuyên gọi lên chữa bài, được khen thưởng và biểu dương trước lớp nên càng bị bạn cùng lớp xa lánh. “Không chỉ tránh tiếp xúc, một số bạn còn đặt điều nói xấu về em và gia đình, khiến em rất tủi thân. Họ còn nói em là “dân tỉnh lẻ mà còn thích thể hiện” khiến mỗi buổi đến trường của em luôn nặng nề, không còn chút hứng thú nào nữa” - Thanh tâm sự.

Có thể nói, trường hợp của Thanh chỉ là một trong hàng nghìn biểu hiện khác nhau của tình trạng tẩy chay trong trường học. Chị Lê Thị Lương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - một phụ huynh đang có con học lớp 11 cho biết, lớp con chị đang xảy ra hiện tượng chia bè phái, do nhà chị điều kiện kinh tế khó khăn, con chị ít khi tham gia các hoạt động vui chơi nhóm, tập thể nên cháu thường bị cho “ra rìa”.  Thậm chí một số bạn cùng lớp thường lên facebook nói xấu cháu. “Cháu đã từng tâm sự với tôi rằng không biết cách nào để giải tỏa những xung đột quanh mình nên luôn cảm thấy mệt mỏi và bế tắc. Cháu luôn muốn thu mình lại, thậm chí còn không dám mặc áo mới khi đến trường. Tôi thương con nhưng chưa biết làm thế nào” - chị Lương lo lắng. 

Tẩy chay trong lớp học diễn ra ở hầu hết các cấp học và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nạn nhân, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập mà còn tác động xấu đến sức khỏe. Có nhiều lý do dẫn tới tẩy chay, từ sự khác biệt về hình thức, lực học, điều kiện gia đình, cách ăn mặc, thái độ với những người xung quanh... hay chỉ để thể hiện cái tôi của cá nhân nào đó.

Không chỉ những học sinh bình thường mà ngay cả cán bộ lớp cũng có thể bị tẩy chay, bị cho là đồ mách lẻo hay “gián điệp” của cô giáo chủ nhiệm. Tẩy chay cũng diễn ra với nhiều hình thức: nói bóng nói gió, mỉa mai, lôi kéo bạn bè không chơi cùng, không nói chuyện, dọa đánh, bỏ rơi bạn một mình, ghép hình người bị tẩy chay với đối tượng xấu, gạt chân cho ngã, đổ nước vào cặp... 

Hãy dũng cảm lên tiếng

Theo Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn, do số lượng học sinh trong một lớp học khá đông nên cá nhân muốn tẩy chay người khác thường lôi kéo thêm nhiều người tham gia. Trái ngược với cảm giác vui vẻ, thỏa mãn của người tẩy chay là tâm trạng buồn chán, cô độc, thậm chí suy sụp, hoảng loạn, trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai của người bị tẩy chay. Có bạn do không thể chịu đựng được đã phải xin chuyển lớp, chuyển trường. 

Tẩy chay giống như một hoạt động của thế giới ngầm trong học sinh mà người lớn khó có thể phát hiện. Để chấm dứt tình trạng này người lớn phải can thiệp một cách khéo léo và tế nhị, bởi đa số các em bị tẩy chay phải âm thầm chịu đựng, rất ngại nói ra vì sợ sự việc sẽ nghiêm trọng hơn. Dấu hiệu bất thường cảnh báo trẻ đang bị tẩy chay thường là trẻ mất tập trung, lơ đãng trong giờ học, kết quả học tập giảm sút, nghỉ học thường xuyên không có lý do, trẻ luôn trong tình trạng buồn chán, không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh... Do vậy, phụ huynh cần thường xuyên quan tâm gần gũi với con mình, tìm hiểu xem nguyên nhân dẫn đến việc chúng bị tẩy chay là gì, con đã phản ứng như thế nào, cô giáo chủ nhiệm đã biết việc này chưa... Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên dạy con kỹ năng ứng phó khi bị tẩy chay, bắt nạt: Dũng cảm lên tiếng với người lớn, thoát thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm, đồng thời kêu cứu khi thấy đám đông sắp lao vào đánh mình... Cha mẹ nên giáo dục trẻ sống hòa đồng với các bạn trong lớp, không ăn mặc quá nổi trội hay có cách thể hiện “khác người” cũng như rèn luyện sức khỏe tốt để tự bảo vệ mình...

Trong một số tình huống cụ thể, tẩy chay cũng mang lại hiệu quả tích cực. Đó là sự tẩy chay đổi với những cá nhân có khuyết điểm mà không chịu sửa chữa như thường xuyên đi học muộn, luôn gây sự, đánh đập bạn bè... Tuy vậy, đa số các  trường hợp tẩy chay đều mang tính tiêu cực. Để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc, gia đình và nhà trường cần phát hiện, nắm bắt, có biện pháp ngăn chặn kịp thời sự việc ngay từ đầu để giúp đỡ các em, không nên để trẻ có cảm giác đơn độc trong “cuộc chiến” diễn ra ngay trong các lớp học.