Các y bác sỹ, nhân viên y tế:

Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ HIV mà còn nhiều bệnh khác

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 10-7, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, y bác sĩ là những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân, song từ phơi nhiễm đến lây nhiễm lại là chuyện khác.

Nguy cơ phơi nhiễm không chỉ HIV mà còn nhiều bệnh khác ảnh 1Các y bác sỹ khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao nếu không trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ

- PV: Là một người có thâm niên trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, xin ông cho biết thời gian qua tại Hà Nội có nhiều trường hợp y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV giống như 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây không?

- Ông Lê Nhân Tuấn: Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV. Những nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV này đã được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên sau khoảng 20 ngày, chúng tôi sẽ xét nghiệm lại lần 2 để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. 

Tại các cơ sở y tế, hàng ngày, hàng giờ, cán bộ y tế tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và đối mặt với nhiều loại bệnh tật nên nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh - không phải chỉ riêng HIV mà rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: SARS, MERS-CoV, viêm gan B... là rất lớn.

Những tai nạn nghề nghiệp như bị máu của bệnh nhân nhiễm HIV bắn vào người trong lúc phẫu thuật, thủ thuật, hay thậm chí vừa tiêm cho bệnh nhân HIV xong do sơ suất để bơm kim tiêm đâm vào da thịt mình… đối với các y bác sĩ không phải lúc nào cũng tránh được. Đó được xác định là những trường hợp phơi nhiễm HIV, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng bị lây nhiễm HIV. Thực tế ở Hà Nội hơn 10 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. 

- Xin ông cho biết quy trình bảo hộ, phòng ngừa phơi nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế được thực hiện như thế nào? 

- Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn rất kỹ về dự phòng phổ cập và dự phòng sau phơi nhiễm do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. Nguyên tắc phổ cập đầu tiên là phải coi mọi nguồn máu và dịch cơ thể đều có khả năng lây nhiễm. Do đó, khi cán bộ nhân viên y tế tiếp xúc với nguồn máu và dịch cơ thể bệnh nhân thì bắt buộc phải sử dụng những dụng cụ bảo vệ như đeo găng tay, mặc áo blouse. Bác sĩ khi thực hiện những thủ thuật, phẫu thuật dự kiến dễ bị bắn máu và dịch cơ thể vào vùng mặt thì phải đeo khẩu trang, kính mắt, kính che vùng mặt, áo choàng, bao chân. Phải có lớp không thấm nước để ngăn dịch thấm vào da hoặc quần áo… 

- Với những trường hợp y bác sĩ hàng ngày phải trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân HIV, nếu không may bị phơi nhiễm HIV thì nguy cơ bị lây nhiễm ra sao, thưa ông?

- Nếu một nhân viên, cán bộ y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân không may bị máu bắn vào niêm mạc, hay bị bơm kim tiêm vừa tiêm cho bệnh nhân đâm vào da thịt mình thì theo quy trình phải làm biên bản báo cáo, tường trình ngay để gửi bệnh viện. Bệnh viện sẽ hướng dẫn xử lý vùng vết thương, xác định đối tượng bệnh nhân được điều trị có nhiễm HIV không. Nếu bệnh nhân bị HIV thì cán bộ gặp rủi ro nghề nghiệp đó phải được hướng dẫn điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. Về lý thuyết, trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bị bơm kim tiêm dính máu người nhiễm HIV đâm vào nếu được uống thuốc dự phòng kháng virus thì có thể phòng tránh được lây nhiễm, tuy nhiên tốt nhất là trong 8 giờ đầu tiên.

Thông thường ở đầu bơm kim tiêm dính máu bệnh nhân nếu đâm vào da thịt của người bình thường thì lượng virus HIV trong đó rất ít, khi được uống thuốc dự phòng HIV kịp thời, thuốc này có tác dụng ức chế sự hoạt động của virus HIV nên sẽ tránh được việc bị lây nhiễm. 

- Xin cảm ơn ông!