Nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu - chi quỹ hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự báo đến năm 2020 chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng; còn quỹ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2019 quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.

Dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu - chi quỹ hưu trí âm 35.962 tỷ đồng

Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới dự báo, quỹ hưu trí của Việt Nam đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, vào năm 2031 hoặc có thể chậm hơn.

Lý giải về những dự báo nêu trên, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do quan hệ đóng hưởng, tỷ lệ hưởng của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (cao nhất 75%). Thứ hai là tỷ lệ tích lũy gần như cao nhất thế giới, ví dụ như nam giới tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) 20 năm thì mức tối thiểu là 45%, cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2%, trong khi các nước xung quanh chỉ 1% hoặc hơn 1%.

Thứ ba, khi người lao động 30 năm tham gia BHXH, mỗi năm đóng 22% tương đương 66 tháng lương vào đó, khi về hưu họ hưởng 75%, tức là đủ cho 88 tháng hưởng lương hưu, cộng tất cả lãi suất đầu tư thì có thể trả tối đa là 120 tháng (tương đương 10 năm sau khi về hưu). Với tuổi thọ bình quân hiện nay là 73 thì người về hưu ở tuổi 60 trung bình sẽ sống thêm 19 năm. Trong khi đó, phần đóng BHXH chỉ đủ trả cho 10 năm. Như vậy, 9 năm còn lại là quỹ BHXH phải chi trả.