Nguy cơ hiện hữu

ANTĐ - Hành tinh - ngôi nhà chung của cả 7 tỷ con người đang ngày càng nóng hơn và nếu không có giải pháp ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất này thì con người chắc chắn sẽ phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường.

Khí hậu Trái đất ngày càng nóng lên đang đe dọa loài gấu Bắc Cực

Số liệu mà Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 29-11 bên lề Hội nghị các bên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-17) đang diễn ra tại Durban (Nam Phi) cho thấy, 2011 là một trong 10 năm nóng kỷ lục kể từ năm 1850. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp nhiệt độ trung bình Trái đất thuộc loại nóng nhất trong lịch sử sau năm 2010 với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 0,4 độ C.

Trước đó, năm 2010 được xem là nóng thứ hai kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu đo và tính nhiệt độ trung bình không khí trên bề mặt Trái đất vào năm 1850. Năm 2010 nhiệt độ trung bình Trái đất là 14,5 độ C, tức là chỉ kém năm nóng kỷ lục được ghi nhận từ trước tới nay là năm 1998 với 14,52 độ C.

Theo WMO, nhiệt độ không khí trên bề mặt Trái đất năm 2011 ở hầu hết các khu vực trên thế giới đều cao hơn mức trung bình dài hạn, đặc biệt nhiệt độ ở miền Bắc nước Nga từ tháng 1 đến tháng 10 cao hơn mức trung bình dài hạn tới 4 độ C. Lượng băng ở Nam Cực năm 2011 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục mặc dù diện che phủ của băng là một trong hai năm thấp nhất.

Sự nóng lên của nhiệt độ không khí bề mặt Trái đất cũng như nguyên nhân của hiện tượng này đã được biết tới và cảnh báo từ lâu. Đó là khí thải CO2, metan từ hoạt động của các nhà máy, phương tiện sử dụng động cơ xăng dầu, máy móc chạy than, khí... gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển Trái đất nóng lên.

Khí hậu Trái đất nóng lên hay còn gọi là biến đổi khí hậu dẫn tới những hệ lụy mà ngay lúc này người ta còn chưa thể đánh giá, lường hết mức độ trầm trọng, nguy hiểm. Có thực tế thấy rất rõ là biến đổi khí hậu đã làm băng hai đầu cực tan chảy mạnh, làm nước biển dâng cao; khiến các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như El Nino và La Nina trở nên cực đoan hơn, dẫn tới hạn hán hay lũ lụt lớn bất thường như trận lụt mới đây ở Thái Lan và đồng bằng sông Cửu Long...

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những thành tựu của cuộc chiến giảm đói nghèo trên toàn cầu có nguy cơ bị xoá bỏ do tác động biến đổi khí hậu. Lời cảnh báo trên được đưa ra khi mà các nghiên cứu khoa học cho thấy nước biển sẽ dâng cao từ 0,9-1,6 mét, cùng với đó là hạn hán trầm trọng ở nhiều khu vực, nhất là ở châu Phi, vào cuối thế kỷ này, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm triệu người nghèo.

Bên cạnh việc thúc đẩy thế giới đạt được một hiệp định toàn cầu mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực từ 2012 nhằm ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, LHQ cũng đang kêu gọi đầu tư 2% GDP toàn cầu, tương đương 1.300 tỷ USD mỗi năm, để phát triển kinh tế xanh. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho rằng chuyển sang nền kinh tế xanh là con đường phát triển bền vững và giảm đói nghèo của cả thế giới.