Nguồn tạng đang bị lãng phí vô cùng!

ANTĐ - Hàng chục nghìn người bệnh, sự sống của họ đang lay lắt phụ thuộc vào sự hỗ trợ của máy móc, gần như không có khả năng lao động hoặc phải chờ đợi kết thúc sự sống trong đau đớn bất kỳ lúc nào. Họ cần ghép tạng. Trong khi đó, mỗi ngày Việt Nam có hàng chục ca chết não, chủ yếu do tai nạn giao thông và tai biến mạch máu não. Mỗi một người chết não, họ tình nguyện hiến tạng trước đó sẽ có thể cứu giúp được rất nhiều người khi họ có thể cho đi 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc... Nhưng, sau 23 năm kỹ thuật ghép tạng có mặt tại Việt Nam, cả nước mới có trên 1.000 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép đồng thời thận, tụy. Nguồn tạng đang bị lãng phí vô cùng!

Nguồn tạng đang bị lãng phí vô cùng! ảnh 1
Những số phận được hồi sinh

Chị Phan Thị T (27 tuổi ở Yên Bái) là một trường hợp đặc biệt. Chị là trường hợp tim dị tật bẩm sinh phức tạp nhất mà các bác sĩ ở BV Việt Đức từng tiếp nhận. Chị T có quả tim lạc chỗ nằm bên phải và mang nhiều dị tật phức tạp nhất: Thất phải hai đường ra thể đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi. Thêm vào đó, trong quá trình nằm chờ ghép tim, bệnh nhân còn bị biến chứng nhồi máu não, nằm bất động một chỗ, teo cơ và suy kiệt nặng... Hy vọng sống mong manh chỉ có thể tính bằng một phần nghìn. 

Dù bị bệnh hiểm nghèo, trái tim quá nhiều dị tật phức tạp, không thể sửa chữa bằng mổ thông thường nhưng chị T luôn khao khát sống, luôn nỗ lực không ngừng và chờ đợi điều kỳ diệu đến với mình. 12 năm học phổ thông, T luôn là học sinh giỏi và đã thi đỗ đại học. Năm thứ hai đại học, trải qua nhiều lần “thập tử nhất sinh”, T buộc lòng phải nghỉ học. 

Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đến với T khi cô được thông báo có một quả tim của người cho chết não phù hợp ghép cho cô. Và thế là 3 tháng sau ca ghép tim có một không hai này, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ, của gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới trong cơ thể 26 năm cầm cự chiến đấu với trái tim bệnh tật. 

Ông H (55 tuổi, trú Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là bệnh nhân xơ gan, ung thư gan giai đoạn muộn. Khi nhập viện, ông H đã được điều trị tích cực nhưng sức khỏe ngày càng xấu đi và gia đình cũng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng may mắn thay, đúng lúc đang bế tắc thì có một bệnh nhân chết não được gia đình đồng ý hiến tạng, và các chỉ số xét nghiệm phù hợp để ghép cho ông H. Đến nay, dù vẫn phải uống thuốc duy trì nhưng sức khỏe ông H đã ổn định, có thể quay trở lại công việc thường ngày.

Hàng nghìn người đã không chờ được nữa…

Những trường hợp như của chị T và ông H quả thực là vô cùng may mắn bởi họ tìm được những người đồng ý hiến tạng. Bởi có không ít người đang phải hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với căn bệnh của mình nhưng chưa có nguồn tạng thay thế phù hợp. Anh Trần Ngọc T 31 tuổi, quê Phú Thọ bị suy thận giai đoạn IV và phải chạy thận định kỳ 1 tuần 3 lần.

 Để giấu bạn bè, đối tác trong công việc, anh phải chạy thận qua đùi thay vì cánh tay. Sức khỏe suy giảm, công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc lập gia đình bị trì hoãn và có thể phải hủy, anh đã có thời gian rơi vào trầm cảm, muốn tự tử. Anh nộp hồ sơ đăng ký ghép thận đã lâu nhưng hy vọng rất mong manh, vì hồ sơ của anh chỉ là một trong hàng nghìn hồ sơ chờ ghép thận tại bệnh viện, trong khi số người hiến thận thì đếm trên đầu ngón tay.

 Giống như anh T, chị H (Hà Nội) phát hiện bệnh khi mới cưới chồng được hơn 1 năm. Khi có những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… cứ nghĩ có thai, chị đến viện khám nhưng không phải, xét nghiệm máu thì kết quả bị suy thận giai đoạn IV. Giờ chị không thể tiếp tục công việc mà chỉ nhận việc về nhà làm, thu nhập bấp bênh, trong khi tâm lý thì vô cùng mệt mỏi không chỉ vì bệnh tật mà còn vì những áp lực từ gia đình nhà chồng mới cưới. Chị vẫn đang chờ đợi may mắn sẽ đến với mình nếu có người hiến thận phù hợp.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có khoảng 8.000 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải phụ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo; 1.500 người suy gan; hàng trăm người chờ ghép tim phổi, tụy; 6.000 người cần ghép giác mạc… ThS. BS Trần Minh Tuấn (Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức) cho biết, đối với bệnh nhân suy thận thì có thể họ vẫn duy trì cuộc sống nhờ chạy thận, nhưng với những bệnh nhân suy tim, suy gan thì họ không còn nhiều thời gian.

 Nhìn những bệnh nhân phải ra đi vì không được ghép tạng, BS Tuấn không khỏi xót xa: “Cách đây khoảng 2 tháng, có một bệnh nhân còn rất trẻ điều trị ở BV Bạch Mai bị suy gan cấp do thuốc điều trị lao. Bệnh nhân có chỉ định ghép gan, các bác sĩ ở BV Việt Đức đã sang hội chẩn nhưng cuối cùng vì không có gan để ghép nên bệnh nhân này đã tử vong. Chỉ vài ngày trước một bệnh nhân ở BV Việt Đức cũng đã phải “xin về”. Bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối, chúng tôi đã dùng tất cả các biện pháp hỗ trợ rất tốn kém để chờ ghép gan, nhưng cuối cùng gia đình không chờ được nữa vì không có gan ghép”. 

Lãng phí nguồn tạng

Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày có khoảng 3-5 người chết não do tai nạn giao thông và tai biến mạch máu não. Con số ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cũng tương tự. Nếu được sự đồng thuận từ phía gia đình thì số người chết mỗi ngày có thể cứu hàng trăm bệnh nhân cần ghép tạng. Thế nhưng đến nay số ca được gia đình đồng ý cho tạng đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Mỗi người chết não hiến tạng sẽ cứu được 2 người suy thận, 2 người suy gan, 1 người suy tim và có thể là 2 người suy phổi, 2 người mù” - GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn (Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng) cho hay. 

Giải thích lý do số người đồng ý hiến tạng quá ít, bác sĩ Trịnh Hồng Sơn cho rằng chủ yếu là do nhận thức của người dân. Ngoài việc họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến tạng thì còn do yếu tố văn hóa tâm linh Á Đông ảnh hưởng rất nặng nề đến người dân. Người Việt Nam quan niệm rằng trần sao, âm vậy, người chết nếu không toàn thây thì sang thế giới bên kia sẽ trở thành người tật nguyền, vì vậy rất khó để người ta đồng ý hiến tạng. “Có những bệnh nhân chết não, chúng tôi đã thuyết phục được hầu hết gia đình hiến tạng rồi, các ê kíp mổ ghép tạng cũng đã chuẩn bị hết, chỉ chờ một người chú bệnh nhân ở miền Nam bay ra.

 Nhưng khi ra đến nơi, người chú này kiên quyết không cho, nói là để cháu nó toàn thây cho về quê. Thế là cả một kíp lại hoãn, tốn bao nhiêu công sức, tiền của.” -  bác sĩ Sơn kể. Hay có một trường hợp đau lòng đã xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức, trong lúc người em suy thận đang chờ người hiến để ghép thì người anh bị tai nạn giao thông chết não. Vợ của người anh đã đồng ý lấy thận chồng ghép cho người em nhưng một số ý kiến trong gia đình không chấp nhận. Cuối cùng, người anh vẫn chết còn người em thì vẫn sống trong mòn mỏi, tuyệt vọng.

Theo thống kê thì ở Việt Nam trong số hơn 1.000 ca ghép thận thì có đến 957 ca ghép từ nguồn hiến tặng khi còn sống, chỉ có 54 ca ghép từ nguồn người hiến tặng sau khi chết não. Ngược lại ở một số nước tiên tiến thì tỷ lệ ghép tạng từ nguồn hiến tặng của người cho chết não lại cao hơn hẳn. Sở dĩ vậy, theo ThS Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng), ngoài nhận thức của người dân thì, hiện một số nước luật pháp quy định về hiến tạng rộng mở hơn so với Việt Nam. Theo đó ở những nước này, khi đến tuổi làm các giấy tờ công dân, nếu họ không tích vào ô Không đồng ý hiến tạng thì đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng hiến nếu không may chết não.

Mở ra nhiều triển vọng

Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng. Bệnh viện Việt Đức là một trong những cơ sở được trang bị tất cả những thiết bị máy móc tiến tiến nhất, nhiều kỹ thuật mới, hiện đại đã được thực hiện thành công tại bệnh viện này. Tính đến nay, Bệnh viện này đã tiến hành 23 ca ghép gan, trong đó tỷ lệ sống sau 1 năm chiếm tới 90%. Con số này cao hơn hơn với báo cáo của nhiều quốc gia có nền y học phát triển. Bệnh viện cũng thực hiện thành công 9/11 ca ghép tim ở Việt Nam. Đáng chú ý, ca ghép tim thứ 9 cho bệnh nhân T có trái tim bên phải nêu trên, được giới chuyên môn đánh giá là một kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Mới đây, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã được thành lập, với mục đích tuyên truyền, vận động người dân hiến mô, bộ phận cơ thể người. GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, trong giai đoạn này, Hội đang tập trung vào người cho chết não, vì ở Việt Nam nguồn này rất dồi dào. Đến nay đã có trên 500 người đồng ý tham gia Hội, đã có trên 500 thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng được phát hành. Tuy chưa phải con số nhiều, nhưng mở ra nhiều triển vọng. GS.TS Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, trong quá trình tuyên truyền, vận động thì thực tế những người đứng đầu các tôn giáo phổ biến ở Việt Nam như Phật giáo và Thiên chúa giáo đều rất ủng hộ việc hiến tặng mô tạng, không có tôn giáo nào nếu quan điểm về việc “chết toàn thây” như quan niệm của đa số người dân.