Nguồn động viên kịp thời

ANTĐ - “Nếu không về tận nơi, sẽ chẳng ai ngờ được cái nghèo khó và thiếu thốn trăm bề mà thầy cô cùng các em học sinh nơi này đang chịu. Khi nhìn mái lá mục rêu xanh của lớp học, tôi không nghĩ đó lại là điểm trường dạy học” - Thượng tá Phạm Văn Huấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc CATP Hà Nội cho biết.

Thượng tá Phạm Văn Huấn tặng quà học sinh điểm trường Khuổi My, Hà Giang 

Điểm trường Khuổi My, chỉ cách điểm trường chính khoảng gần chục cây số, còn điểm trường chính thì cách thành phố Hà Giang 6km, vậy mà chẳng ai nghĩ nơi ấy lại hẻo lánh và nghèo khó đến thế. Chính vì vậy mà sau khi đi khảo sát để tặng quà thầy trò nơi này, Thượng tá Phạm Văn Huấn đã xin ý kiến Ban Giám đốc CATP Hà Nội được trở lại nơi này ngay vì thấy thương các học sinh ở bản nghèo. 

Căn nhà bưng gỗ cũ kỹ liêu xiêu với mái lá cọ khô mục không hợp với hai chữ “trường học”. Vừa nhìn thấy đoàn dưới dốc, cô giáo Nguyễn Thu Hằng giáo viên lớp 1, điểm trường Khuổi My đã nhận ra ngay người quen là “cán bộ” Huấn. Tôi chưa kịp hỏi thì cô giáo Hằng đã mau miệng: “Cán bộ” Huấn mới lên đây hôm 26-4, mới có gần 10 ngày làm sao chúng tôi quên được”. Thì ra là vậy, trước đó  khoảng hơn 1 tuần, thay mặt Phòng Nghiệp vụ CATP Hà Nội, Thượng tá Phạm Văn Huấn đã đi “tiền trạm” để tặng quà các em học sinh nghèo nơi này. Biết được thầy trò vất vả, đoàn viên CBCS Phòng Nghiệp vụ đã huy động những tấm lòng hảo tâm để có phần quà tặng các em học sinh nơi đây. Có mấy ngày mà những chiến sỹ Công an Thủ đô lại ngược lên vùng  địa đầu Tổ quốc với chuyến xe ô tô chở đầy cặp, sách, đồ dùng học tập bánh kẹo... và quạt điện.

Đang vào mùa hè, vậy mà điểm trường Khuổi My, điểm trường Nà Thác và Lùng Vài cứ như chớm đông. Mây mù vây giăng lúc tỏ, lúc mờ, khiến những mái lá cọ của điểm trường, nhà của bà con ẩm ướt mọc đầy rêu xanh. Sự khắc nghiệt của mây ngàn khiến cho lối vào điểm trường thêm vất vả vì đường trơn trượt.

 “Có khi các em đang học thì mây luồn vào phải tạm nghỉ đợi mây tan mới học được tiếp. Phấn viết bảng thì bở ra như ngâm nước” - cô giáo Cao Thị Loan mộc mạc nói. Cái nghèo ở nơi đây khó hình dung nổi. Cái gì cũng quý giá, từ cuốn vở đến chiếc bút chì đều phải dành dụm để dùng dần. Chúng tôi đến Khuổi My, Nà Thác, và Lùng Vài vào buổi chiều muộn, vậy mà ngỡ như đang vào đúng dịp hội bản. Bà con tập trung rất đông ở điểm trường cùng các học sinh đón nhận quà từ CBCS Công an Thủ đô. Chị Chúng Thị Sầu đồng bào dân tộc Tày phấn khởi: “Con mình được nhận quà mình rất cảm ơn cán bộ dưới xuôi, mai mình sẽ bảo nó không bỏ học nữa”. Tôi chú ý trên góc bảng ghi sỹ số, lớp cô giáo Hằng có 10 học sinh, lớp cô giáo Loan có 13 học sinh nhưng chỉ một vài học sinh có cặp và sách vở. Còn lại học sinh để sách vở vào túi nilon. Cô giáo Loan cho biết: “Phụ huynh các em nghèo lắm, các em đi học có khi còn nhịn đói thì nói gì đến được mua đồ dùng học tập. 100% đồng bào Tày và đồng bào Dao nơi đây sống phụ thuộc vào núi rừng, nương rẫy, nên bà con làm gì ra đồng tiền mà mua sắm được”. 

Thầy Đặng Hữu Hậu,  Hiệu trưởng điểm trường chính Phương Độ không giấu được niềm xúc động khi thay mặt nhà trường cảm ơn những chiến sỹ Công an Thủ đô đã vượt hàng trăm cây số tặng quà học sinh. “Các anh đã trao tặng những món quà đầy ý nghĩa. Với chúng tôi đây là nguồn động to lớn. Tôi nói vậy vì sau mỗi dịp nghỉ hè chúng tôi rất vất vả đi bản vận động học sinh đến trường. Những món quà gồm cặp, sách, bút và nhiều đồ dùng học tập khác cùng bánh kẹo và đồng phục mà Phòng Nghiệp vụ của CATP Hà Nội gửi tặng hôm nay sẽ động viên các em mùa khai giảng năm học mới sẽ đến trường đông hơn”- thầy Hậu xúc động. 

Tôi cảm nhận được niềm vui khi bọn trẻ cầm trong tay những món quà vừa được nhận, các em vui mà chẳng biết nói gì. Những món quà dù nhỏ nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên các em được tặng. Cậu học trò Trương Văn Quân học sinh bán trú, nhà ở bản Khuổi My hồn nhiên hỏi cô giáo chủ nhiệm: “Sao các chú công an mang tặng nhiều quà thế?”. Cô giáo cười hiền: “Các em nhận quà phải chịu khó học cho thật giỏi, sau này lớn lên sẽ được làm Công an như các chú”.