Người tố cáo tham nhũng

ANTĐ - Lâu nay, tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức độ trầm trọng. Tuy nhiên không ít người tố cáo đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi. Theo một số liệu điều tra của Viện Xã hội học - Viện KHXH Việt Nam có 53,2% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng trù úm người tố giác hành vi tham nhũng; kỳ thị, phân biệt đối xử chiếm 34,8%; xâm hại về lợi ích kinh tế, thân thể, sức khỏe chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Nếu như không có một chính sách bảo vệ người tố cáo hiệu quả, sẽ khiến cuộc chiến chống tham nhũng đứng trước thách thức vô cùng to lớn.

Ông Phạm Thanh Bình - một người dám hy sinh quyền lợi của bản thân để chống tham nhũng

Bị trả thù vì chống tiêu cực

Trong những năm gần đây, hàng loạt trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trả thù bằng đủ các kiểu, các cách thức khác nhau nhẹ thì trù úm, đè nén nặng thì cách chức, đuổi việc. Điều khiến dư luận bất bình là nhiều đối tượng bị tố cáo đã hành xử như… tội phạm. Không ít các đối tượng bị tố cáo đã thuê đám côn đồ, đe dọa, thậm chí xâm phạm danh dự, sức khỏe của những người tố cáo. Điển hình là ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức vụ Bí thư và chỉ đạo miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND phường.

Bà Phan Thị Thanh Hương, nguyên cán bộ một tờ báo bị cơ quan cho thôi việc, thu thẻ nhà báo do đấu tranh với những việc làm sai trái của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan. Ông Nguyễn Kim Hợp (ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tố cáo một số cán bộ xã, huyện đã cấp và bán trái phép hơn 300.000m2 đất, khiến một số cán bộ sai phạm bị phạt tù. Song, ông Hợp lại đang bị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình. Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (quận Tây Hồ, Hà Nội) liên tục bị khủng bố qua điện thoại, bị đổ phân, ném chuột chết vào nhà; con cái đi đường bị chặn xe, dọa nạt…

Phần lớn các đối tượng có điều kiện tham nhũng là những người có chức có quyền, nên chừng nào vụ việc chưa bị phanh phui, chưa bị đưa ra ánh sáng là chừng đó người tố cáo còn bị trù dập, đè nén. Không chỉ công khai trù dập người tố cáo, những người bị tố cáo còn có nhiều hình thức trả thù rất tinh vi gây ức chế về mặt tâm lý cho người dám tố cáo kiểu như không giao việc, coi như người thừa trong cơ quan đơn vị khiến người tố cáo chán nản dẫn đến tự bỏ việc.

Không chỉ người chống tham nhũng mà người thân của họ cũng bị vạ lây, trong đó có trường hợp bố mẹ chống tham nhũng thì con cái không được bổ nhiệm, bị thôi việc, nông dân thì bị phá hoa màu, bị đe dọa tính mạng, người thân lâm vào tình trạng hoảng loạn tinh thần, thậm chí vợ của người đấu tranh chống tham nhũng  không chịu nổi áp lực của sự đe dọa đã dẫn đến hoảng loạn tinh thần, có người còn bị đánh mìn vào nhà hoặc giết hại. Việc các đối tượng tham nhũng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng khiến một bộ phận quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên e ngại, né tránh, không dám tố cáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn thấp.

Theo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa X về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội đã phát hiện giá trị tài sản tham nhũng lên tới 1.140 tỷ đồng, khởi tố 125 vụ/273 bị can, xét xử 109 vụ với 256 bị cáo liên quan đến tham nhũng lãng phí. Tuy nhiên con số đó mới chỉ là bề nổi, chưa nói hết được tình trạng tham nhũng, nhất là tại các cơ sở hiện nay. Cũng theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc, 85% cán bộ, công chức và gần 80% người làm trong doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời rằng họ không quan tâm đến tố cáo tham nhũng vì sợ bị trù dập.

Ông Lê Văn Lân, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết: Không riêng Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Ngay cả cán bộ của cơ quan phòng chống tham nhũng cũng chịu áp lực này. Vì vậy, nhiều nước đã có những biện pháp bảo vệ không chỉ cho người đứng ra tố cáo mà còn cả thân nhân họ.

Cần có chế độ bảo vệ người tố cáo

Đa số những người có hành vi tham nhũng là người có chức có quyền. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tấn công người tố giác mình hoặc trực tiếp hoặc thuê côn đồ ra tay giúp. Khi đó, nếu không được bảo vệ thì sẽ không ai dám tiếp tục lên tiếng. Vì vậy muốn bảo vệ người tố cáo thì điều quan trọng cần phải xem xét xử lý thông tin người  tố cáo nhanh chóng, kịp thời, triệt để.

Mặc dù chúng ta đã có Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, tố cáo quy định về bảo vệ người tố cáo, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện trong thực tế.

Mới đây, dự án Luật tố cáo và dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan (như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, UBND địa phương nơi người tố cáo cư trú hoặc cơ quan công an có thẩm quyền) áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này dù người tố cáo có yêu cầu hay không.  Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù hay trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo. Luật Tố cáo có hiệu lực từ 1-7-2012.

Tuy nhiên để Luật Tố cáo đi vào thực tiễn, cần có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành. Dư luận cho rằng  để phòng tham nhũng  thì sự minh bạch tài chính tại các cơ quan tổ chức phải được coi là vấn đề cốt lõi. Lâu nay, sự minh bạch này vẫn còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là tù mù. Nhiều người vẫn lạm dụng quy định bí mật của Nhà nước để không công khai nội dung không phải bí mật khiến người dân không thể tiếp cận. Vì vậy chúng ta cần công khai minh bạch thông tin, tài sản. Lúc đó, tham nhũng sẽ không còn chỗ để phát triển.

Song song với phòng tham nhũng thì chống tham nhũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Và để làm được việc này không chỉ có những người dũng cảm dám đứng lên tố cáo hành vi tham nhũng mà điều quan trọng là việc xử lý hành vi tham nhũng đó như thế nào.

Do đó cơ quan chức năng cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc chống tham nhũng chứ không nên xử lý theo kiểu “phủi bụi” cho xong. Thực tế đã chức minh, rất nhiều đối tượng tham nhũng bị tố cáo đã thuê côn đồ tấn công người tố cáo xâm phạm danh dự, thân thể, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tố cáo nhưng rất ít đối tượng bị tố cáo bị xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi này. Thực chất, có thể coi đó là hành vi phạm tội, đồng phạm, chủ mưu trong những vụ trả thù, dư luận đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật ngoài việc điều tra, xử lý đối tượng bị tố cáo vì hành vi tham nhũng thì cũng cần phải xử lý về hành vi tấn công người bị tố cáo nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời mới khuyến khích được những người tố cáo dám đứng lên tố cáo.

Một điều tối quan trọng nữa là có cơ chế bảo trợ xã hội cho người tố cáo vì họ đã hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích chung. Không nên coi việc tố cáo sai là phạm luật hình sự mà nên xây dựng quy chế thông tin chặt chẽ để hạn chế. Phải coi việc bảo vệ người tố cáo là nấc thang quan trọng trong phòng chống tham nhũng có như thế, công tác phòng chống tham nhũng mới thực sự đạt kết quả.

Trên thế giới, khá nhiều nước thực hiện việc chống tham nhũng và bảo vệ người tố cáo hiệu quả. Kinh nghiệm của họ rất đáng để chúng ta tham khảo. Ví như ở Trung Quốc, nếu có bằng chứng tương đối cụ thể về người bị tố cáo tham nhũng thì họ sẽ thực hiện biện pháp cách ly ra khỏi xã hội. Việc làm này để người bị tố cáo không có điều kiện liên hệ với những người khác, không còn điều kiện để trả thù người tố cáo. Còn ở Hàn Quốc có những cơ chế chính sách bảo mật, khen thưởng và đền bù thích đáng cho người tố cáo tham nhũng. Những người trả thù cho hành vi này bị phạt nặng kinh tế và phạt tù. Những người tố cáo đúng tham nhũng được thưởng theo tỷ lệ phần trăm số thất thoát thu được. Những hành vi tham nhũng trong các cơ quan công quyền được quy định rõ trong Luật để người tố cáo tham nhũng hiểu rõ để bảo vệ quyền lợi. Ở Mỹ có tới 25 văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, quy trình tố cáo rất dễ dàng, công khai trên mạng. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân thân và họ còn được hưởng một tỉ lệ nhất định từ số tiền thu được của vụ án tham nhũng đó